![]() |
Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đang tăng rất nhanh. |
Một gói kích cầu hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào cách thức chi tiêu và đầu tư của nhóm đối tượng thụ hưởng. Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đang tăng rất nhanh, nhưng hiệu quả đến đâu còn là câu hỏi nên được trả lời.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất (HTLS) đến ngày 13.3.2009 là 144.312 tỉ đồng. So với dư nợ tính đến ngày 6.3.2009, chỉ sau 1 tuần thực hiện, dư nợ cho vay của chương trình này đã tăng 30.604 tỉ đồng (tương đương tăng 26,9%). Một mức tăng khá là ngỡ ngàng trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay.
Đã nhiều ý kiến cho rằng gần 150 nghìn tỉ đồng các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay HTLS trong tháng rưỡi qua không hoàn toàn được đưa vào để duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, mà có thể một phần được các DN sử dụng để đảo nợ các khoản vay LS cao trước đây.
Có người cho rằng như thế là vốn NH lại trở về với NH, nhưng có người cho rằng dù thế nào đi chăng nữa thì một lượng vốn đáng kể (trong đó có phần từ ngân sách qua HTLS) cũng ra được lưu thông, làm tăng tính thanh khoản của nền kinh tế. Đây chính là hiệu quả của gói kích cầu.
Chỉ lợi doanh nghiệp nhà nước?
Xem xét tỉ trọng dư nợ cho vay HTLS của các khối NH trong tổng dư nợ cho vay HTLS thấy có vấn đề: Dư nợ của nhóm NHTM nhà nước và Quỹ Tín dụng nhân dân T.Ư (chủ yếu là dư nợ của NHTMNN) đạt 114.537 tỉ đồng chiếm đến 79,2%. Dư nợ của nhóm NHTMCP (cả NHTMCP Ngoại thương VN) đạt 26.837 tỉ đồng, chỉ chiếm 18,6%.
Không có số liệu nào cho biết tỉ trọng cho vay HTLS các thành phần kinh tế thế nào. Nhưng qua số vốn cho vay của nhóm NHTM có thể dự đoán là phần lớn vốn cho vay HTLS là dành cho các DN nhà nước (DNNN). Nếu cho vay theo từng đơn vị thành viên (vay cách này dễ đáp ứng được tiêu chuẩn về số vốn và lao động), nhưng tính theo tập đoàn có thể một số tập đoàn kinh tế nhà nước được vay nhiều nhất, mà các tập đoàn kinh tế này đang bị cho là sử dụng nguồn lực thiếu hiệu quả.
Như vậy, một dòng vốn lớn, LS thấp lại đang chảy vào các DNNN làm ăn yếu kém, mà không loại trừ khả năng một phần để đảo nợ. Trong khi đó, một số lượng không nhỏ DNNVV, hộ gia đình không dễ dàng tiếp cận vốn HTLS vì không đủ điều kiện vay vốn (không có tài sản thế chấp, còn nợ cũ, thiếu hoá đơn Bộ Tài chính...).
Hiện tượng nhóm NHTM nhà nước cho DNNN vay với một số vốn rất lớn trong một thời gian ngắn phải chăng còn do tâm lý các NHTM nhà nước không ngại lắm việc cho vay DNNN vì cùng chủ sở hữu Nhà nước? Những vấn đề trên nếu thực tế đúng như suy đoán thì làm cho kích cầu qua tín dụng không được như ý muốn của nhà làm chính sách là nguồn vốn đến được những DN/những cá nhân kinh doanh (bất kể thành phần kinh tế nào) thật sự cần vốn để tạo ra hàng hoá.
Chưa có số liệu chứng minh hiệu quả
Vừa qua, chúng ta đã thấy hiện tượng một lượng vốn khá lớn nằm trong hàng hoá sản xuất ra, NK về mà không tiêu thụ được, hàng tồn kho rất lớn (điển hình là cá ba sa, thép, nguyên - vật liệu xây dựng, nguyên liệu hàng nông sản XK...).
Đặc điểm của hàng tồn kho này là giá thành cao, trong khi giá cả hiện nay vẫn trên xu thế giảm. Nay muốn tăng trưởng tín dụng thì tín dụng được NH bơm ra phải vào vòng quay sản xuất mới, tạo thêm sản phẩm có giá hạ để có thể bán được hàng; vậy thì quan trọng nhất là tín dụng mới tăng thêm chứ không phải là lượng tín dụng được kích cầu là bao nhiêu. Nếu tổng dư nợ toàn ngành không đổi/hoặc thay đổi không nhiều, chỉ có lượng tín dụng được HTLS thay đổi mạnh thì có bao nhiêu hàng hoá mới được sản xuất ra để bán?
Một NĐT nói: "Nếu cho số dư nợ cho vay HTLS là tích cực thì hãy so sách cho biết tương quan giữa các chỉ số: Tốc độ tăng tín dụng 2 tháng đầu năm 2009 so với 31.12.2008; tốc độ tăng giải ngân vốn HTLS; tỉ lệ giảm nợ xấu của hệ thống NHTM; mức tăng doanh số bán hàng của các DN nhận nguồn vốn HTLS, khả năng thu nhận thêm hay giữ được lao động. Trả lời câu hỏi này sẽ thấy hiệu quả kích cầu ra sao".
Không phủ nhận nỗ lực rất lớn của ngành NH triển khai nhanh chóng gói HTLS, cũng không thể phủ nhận những hiệu ứng tích cực của gói kích cầu đã giúp giảm một phần chi phí vốn vay cho DN, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng... Nhưng cũng không nên lạc quan cho rằng số dư nợ cho vay lớn, tăng nhanh là tỉ lệ thuận với hiệu quả.
Một chuyên gia tài chính nói: "Nếu không triển khai tốt, gói HTLS có thể đưa đến những hậu quả: Làm cho việc đảo nợ thành một trào lưu, che giấu nợ xấu, các NHTM vì thế mà không trích lập đủ dự phòng rủi ro cần có cho những khoản nợ có vấn đề; dòng vốn giá rẻ vẫn không thật sự vào nơi cần đến, vẫn đổ mạnh vào khối DNNN là khối DN có hiệu quả sử dụng vốn thấp; không kích được cầu tiêu dùng xã hội tăng như mong muốn, lãng phí nguồn lực của quốc gia; làm tăng nguy cơ tái lạm phát".
Vì vậy, rất cần các cơ quan quản lý có những phân tích, đánh giá đầy đủ thực trạng triển khai gói HTLS để có những điều chỉnh kịp thời.