Cho vay lệch pha

Tăng vốn để tồn tại

 

Hoạt động kho quỹ Sacombank. Ảnh: Cao Thăng

Ngay từ đầu năm 2007 quy mô vốn của hầu hết các NH TMCP đã tăng vượt bậc. Đến nay, nhiều NHTM đã về đích trước mốc thời gian quy định: ACB 2.630 tỷ đồng, Sacombank 4.450 tỷ đồng, Eximbank 2.800 tỷ đồng, Techcombank 2.700 tỷ đồng… Nhiều NH nông thôn mới chuyển đổi lên NH đô thị cũng đã chạy nước rút để kịp mốc 1.000 tỷ đồng vào năm 2008. ABBank mới chuyển đổi từ NH nông thôn lên đô thị vào năm 2006, vốn điều lệ chỉ có 165 tỷ đồng thì đến nay đã là 2.300 tỷ đồng.

Với thị phần rộng lớn, các NH TMCP lớn đang có lợi thế do nguồn vốn tăng cao, nhưng với các NH nhỏ thì là cả một vấn đề. Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết: Trước áp lực lợi nhuận nhưng không có khách hàng trọng điểm, năm qua nhiều NH nhỏ chỉ còn cách đổ vốn vào cho vay kinh doanh CK. Thực tế có NH nông thôn mới chuyển lên NH đô thị đã cho vay cầm cố CK đến 98%/tổng dư nợ (TDN)! Thậm chí có NH cho một cá nhân vay kinh doanh CK đến 200 tỷ đồng. Tệ hại hơn, có những khoản vay rất khó thu nợ vì đã ký hợp đồng cho vay đến 7 năm, trong khi vốn huy động bình quân của các NH chỉ từ 9 tháng đến 1 năm.

Hiện nay các NH đã tích cực thu nợ để giảm bớt tỷ lệ cho vay kinh doanh CK theo Chỉ thị 03, nhưng theo thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM, tổng số vốn cho vay kinh doanh CK của các NH có hội sở ở TPHCM vẫn còn 5.218 tỷ đồng, trong đó có NH còn vướng đến 2.100 tỷ đồng. Phó Thống đốc NHNN Phùng Khắc Kế cho biết có thể nhân là cổ đông của NH đã được vay đến hàng ngàn tỷ đồng. Mặc dù đến nay tổng tỷ lệ cho vay CK của các hệ thống NHTM đã giảm còn 2,75%/TDN nhưng có thể thấy trên cơ sở tăng vốn nhanh mà tập trung thái quá vào một lĩnh vực cho vay thì rủi ro rất lớn.

Giám sát NHNN ở đâu?

Một quan chức trong NHNN đã thừa nhận việc một NH cho vay kinh doanh CK đến 98%/TDN là do hệ thống thanh tra giám sát của NHNN quá kém. Thực tế  tổng mức dư nợ cho vay kinh doanh CK của hệ thống NH là 25.000 tỷ đồng vẫn còn thấp hơn nhiều so với tổng mức dư nợ cho vay kinh doanh BĐS trực tiếp là 106.000 tỷ đồng hiện nay. Chính vì không được thanh tra, phát hiện kịp thời nên đã phải ban hành Chỉ thị 03 để giải quyết tình thế - một vài NH “hắt hơi” nhưng cả hệ thống NH phải “uống thuốc cảm”. “Nếu công tác thanh tra giám sát của các NHNN không thay đổi, thì đừng trách các NH cho vay lệch pha. Khi đó không chỉ có điểm nóng cho vay kinh doanh CK mà còn có nguy cơ đổ vỡ tín dụng ở các lĩnh vực khác” -vị quan chức này nói. 

Theo ông Hồ Hữu Hạnh, với mức tín dụng tăng trưởng nóng từ 55-60% như hiện nay, các NH đã dùng nhiều biện pháp để đối phó với Chỉ thị 03 bằng cách tăng dư nợ ở nhiều lĩnh vực. Một trong những lĩnh vực đang được đẩy mạnh là cho vay kinh doanh BĐS. Giải pháp này đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro không nhỏ nếu như các NH mạnh tay cho vay bừa phứa

Bối cảnh hội nhập đang tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển vốn NH. Các NH nhanh chóng nắm bắt “thời cơ vàng” để tăng quy mô hoạt động của mình ngang tầm với NH các nước trong khu vực thời gian tới. Tuy nhiên, sẽ có nhiều hệ lụy nếu các NH không chuẩn bị kỹ lưỡng về chiến lược tăng vốn song hành với việc sử dụng vốn hiệu quả và bền vững trong điều kiện thị trường hiện nay.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây