![]() |
Ông Trần Du Lịch
|
Xin cho biết dự báo của ông về tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như lạm phát trong thời gian tới?
Theo tôi, GDP trong quý II/2008 sẽ thấp hơn quý I một chút và sang quý III còn thấp nữa. Với những biện pháp tài chính - tiền tệ như hiện nay thì cuối năm 2008, GDP tăng khoảng 7 - 7,5%. Còn lạm phát sẽ có xu hướng giảm. Nhưng giảm như thế nào còn tuỳ vào tình hình lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới. Hiện nay, không ai có thể khẳng định, giá dầu sẽ tăng bao nhiêu, kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ giảm đến mức nào, trong khi kinh tế Việt Nam bị “trói chặt” với thị trường thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2007 tương đương 160% GDP (nhập khẩu gần 90% GDP), tức là biến động tiêu cực trên thị trường thế giới sẽ có tác động xấu tới thị trường Việt Nam. Do đó, khó có thể nói rằng, tốc độ lạm phát được kiểm soát thấp ở mức nào. Tuy nhiên, mục tiêu phấn đấu tuyệt vời nhất trong năm nay là lạm phát bằng năm ngoái (khoảng 12 - 13%). Còn GDP tăng 7 - 7,5% không thể đòi hỏi hơn trong thời điểm này, vì hiện cả thế giới cũng cắt giảm chỉ tiêu tăng trưởng.
Ông đánh giá như thế nào về việc Chính phủ vừa điều chỉnh mức tăng trưởng GDP, giảm 1% so với mục tiêu đề ra?
Trong thông điệp của Thủ tướng đưa ra gần đây, ngoài vấn đề giải quyết tình hình lạm phát thì mục tiêu là ưu tiên ổn định vĩ mô, chứ không phải bị trói buộc bởi chỉ tiêu tăng trưởng. Dĩ nhiên, ổn định vĩ mô là để hướng tới sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tuy nhiên, khi thực hiện những biện pháp ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát thì tác dụng phụ của nó là làm giảm tăng trưởng GDP. Nhưng giảm tăng trưởng không phải do ý muốn chủ quan, mà do phản ứng phụ của các biện pháp tài chính, tiền tệ dẫn đến.
Tiếp theo giải pháp kinh tế, Chính phủ lần này tập trung vào chính sách xã hội, bởi vì hệ quả tiêu cực của lạm phát trước hết tác động vào những người nghèo, có thu nhập cố định hay nói cách khác là các đối tượng “nước lên mà thuyền không lên” thì chính sách của Chính phủ tập trung như vậy là đúng. Nhưng với tình hình lạm phát hiện nay, không thể trong một sớm một chiều có thể khắc phục được. Các biện pháp đưa ra là làm sao cho giá cả có xu hướng giảm dần, còn nếu tiếp tục tăng thì rất nguy hiểm. Tôi tin rằng, giá cả hàng hóa sẽ có xu hướng giảm dần trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần có sự đồng bộ từ nhiều phía (Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng) trong việc thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát.
Trong khi Chính phủ ra sức chống lạm phát mà giá dầu thế giới tăng cao thì giá bán xăng dầu trong nước liệu có được kiềm chế, thưa ông?
Đó thách thức rất nặng nề đối với nền kinh tế và nhiệm vụ của Chính phủ. Nếu tiếp tục điều chỉnh giá dầu khi giá thế giới tăng cao thì khó mà kiềm chế được lạm phát. Nhưng nếu không điều chỉnh, Nhà nước sẽ phải bù lỗ, liệu có chịu được hay không? Theo tôi, Nhà nước phải trả giá trong vấn đề chống lạm phát bằng cách giảm một số dự án đầu tư từ ngân sách để giải quyết các vấn đề xã hội như: bù một số giá, chứ không được bội chi. Hay nói cách khác, để chống lạm phát, ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều phải trả giá. Do đó, chúng ta không thể chống lạm phát mà lại muốn mọi thứ tốt như trước. Tác động lạm phát đang ảnh hưởng nặng nề về mặt xã hội, nhất là tầng lớp người nghèo. Doanh nghiệp khó khăn nhưng có thể xoay xở được, ví dụ như tiết giảm chi phí đầu vào; Nhà nước cũng phải tiết giảm chi tiêu. Xăng dầu tăng giá, người dân phải tiết kiệm, cơ quan nhà nước bớt đi lại, tiết giảm được chi phí thì lạm phát sẽ được kiềm chế.
Vậy theo ông, để giải quyết bài toán lạm phát và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng cần có những biện pháp nào?
Theo tôi, 19 giải pháp được Chính phủ ban hành trong Công văn 319 là đủ. Trong đó, giải quyết đồng bộ cả những yếu tố tác động tổng cung - tổng cầu. Quan điểm của tôi là giải quyết vấn đề lạm phát phải dựa trên phân tích tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế. Thực chất vấn đề lạm phát dù do khách quan hay chủ quan, nhưng kết quả dẫn đến vẫn là sự mất cân đối giữa tổng cung và tổng cầu. Do đó, khi đưa ra biện pháp cần có một gói giải pháp. Trong đó, những giải pháp liên quan đến tổng cung như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, xuất khẩu, đây chính là tăng cung. Còn giải pháp giảm cầu là giải pháp về tiền tệ và tiết kiệm chi tiêu… Đây chính là biện pháp kiềm chế, giảm sự mất cân đối.
Còn các biện pháp áp dụng đối với TTCK gần đây có phát huy được tác dụng và hiệu quả không, thưa ông?
TTCK sụt giảm có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân nằm ngoài lĩnh vực chứng khoán như ảnh hưởng của thị trường bất động sản, dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế toàn cầu… Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, TTCK Việt Nam còn quá nhỏ bé, nên việc suy giảm của thị trường này không ảnh hưởng đến nền kinh tế, không nên quan tâm nhiều. Đúng là TTCK Việt Nam còn nhỏ bé và sơ khai, số lượng doanh nghiệp niêm yết và công ty giao dịch trên thị trường OTC chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với số lượng trên 300.000 doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng theo tôi, không vì thế mà đánh giá thấp TTCK, bởi vì đã có TTCK thì ít nhiều nó đang đóng vai trò là nhiệt kế biểu hiện cho tình hình của nền kinh tế cũng như lòng tin của nhà đầu tư đối với nền kinh tế. Nó “vui vẻ”, kinh tế cũng “vui” theo, và ngược lại. Quan điểm của tôi lâu nay là TTCK chưa được đánh giá đúng mức vị trí và vai trò của nó. Do đó, nếu các chính sách đưa ra không nhất quán và công tác quản lý bị động sẽ mang lại hậu quả xấu.
Tôi cho rằng, với sức mạnh của doanh nghiệp nhà nước và sức mạnh vật chất của khu vực kinh tế nhà nước thì hoàn toàn có khả năng tham gia vào quá trình điều tiết cung cầu của TTCK. Nhưng rất tiếc, vừa qua chúng ta chưa làm tốt việc này. Khi chứng khoán lên, ngay cả một số doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa với tỷ lệ nắm giữ lớn cũng đua nhau nâng vốn điều lệ, tạo lợi thế cho mình. Nhưng khi thị trường có sự sụt giảm thì chưa có sự can thiệp từ những doanh nghiệp này. Gần đây, Chính phủ có chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua vào, nhưng theo tôi, sự can thiệp này vẫn còn quá ít. Vì thực sự, Nhà nước là người nắm lực lượng vật chất trên TTCK. Chính những lúc biến động này, rất cần lực lượng vật chất của Nhà nước. Hiện vai trò của Nhà nước vẫn chưa được thể hiện khi thị trường có sự đảo chiều, hay nói cách khác là mất đi vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Hai năm qua, TTCK đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII). Nhưng gần đây, xuất hiện tin đồn là dòng vốn này đang chuyển hướng. Theo ông, điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến TTCK và cả nền kinh tế?
Tín hiệu dòng vốn gián tiếp nước ngoài là tín hiệu tốt cho TTCK và nền kinh tế từ cuối năm 2006 và đầu năm 2007. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam chưa đủ khả năng hấp thụ vốn FII có hiệu quả, để từ đó có thể định hướng được dòng chảy của nó vào đâu. Trên thực tế, dòng chảy của vốn FII vào Việt Nam thời gian qua chủ yếu là tự phát, không loại trừ khả năng trong đó có hoạt động đầu cơ tiền tệ.
Nhiều người cho rằng, phải mở “room” để vốn FII chảy vào. Nhưng có ý kiến ngược lại là phải cảnh báo cao độ nguồn vốn này. Tuy hai luồng quan điểm khác nhau, nhưng vấn đề đáng quan tâm nhất ở đây là có giám sát được luồng vốn này hay không? Trong Công văn số 319/TTg-KTTH ngày 3/3/2008 của Thủ tướng có đề cập đến việc phải giám sát dòng tiền này. Chúng ta cần kiểm soát được xuất xứ của dòng vốn FII, từ các quỹ đầu tư trung và dài hạn hay tiền nhàn rỗi nhất thời để đầu cơ? Hiện những vấn đề như vậy chưa được làm rõ nên khó thể quản lý. Nhưng cũng cần khẳng định là chúng ta đang cần nó để thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính. Nếu dòng chảy vốn FII đổi chiều thì sẽ rất nguy hiểm.
Lạm phát tăng, nhưng lãi suất tiền gửi bị cắt giảm vì ngân hàng cho rằng, chi phí đầu vào tăng mạnh, trong khi mức tăng trưởng tín dụng bị khống chế không quá 30%. Người gửi tiền chịu lãi suất âm, ông nghĩ sao về điều này?
Lãi suất tiền gửi dương là cần thiết, nhất là khi lạm phát tăng cao, nhưng không phải thời điểm nào cũng dương. Trong nền kinh tế thị trường thì không có việc gì kiếm được lời mà không có rủi ro, việc gửi tiền ngân hàng cũng vậy. Theo quan điểm phát triển thì cố gắng đi đến lãi suất dương. Tuy nhiên, trong điều kiện cả nước đang tập trung mọi nguồn lực để chống lạm phát cao như hiện nay, lãi suất âm chính là người dân tham gia chia sẻ việc điều hành các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Còn đối với việc khống chế tăng trưởng tín dụng, theo tôi là hợp lý, vì nguyên nhân gây ra lạm phát cao năm nay một phần là hậu quả chạy đua cho vay của các ngân hàng năm trước để lại. Có thể nói, chưa bao giờ ngành ngân hàng lại lãi cao như năm 2007, vì cho vay nhiều. Nhưng nếu không kiểm soát được các khoản tín dụng thì sẽ có nguy cơ đổ vỡ của ngành ngân hàng, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đây là thời điểm các ngân hàng thương mại cần tự đánh giá lại hoạt động của mình để có hướng phát triển bền vững.
Đây là dịp tốt nhất để chúng ta thấy cơ thể của mình không khoẻ, lâu nay tưởng rất khoẻ. Một trận dịch đi qua, không phải cơ thể nào cũng mang bệnh, chỉ có cơ thể nào không khoẻ, không tốt thì bị dịch hoặc lây dịch. Nguyên nhân là do phòng ngừa không tốt
Thùy Vinh thực hiện