Chứng khoán cá ba sa

 
Chế biến cá ba sa xuất khẩu ở Công ty Hùng Vương
Mũi nhọn: thị trường Đông Âu
 
Bốn tháng giữa năm nay, từ tháng 4 đến tháng 7, việc xuất khẩu cá ba sa của các công ty Việt Nam vào Nga bị gián đoạn sau khi nước này đưa ra những điều kiện mới về kiểm soát chất lượng và xuất nhập khẩu. Ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Nam Việt, cho biết theo quy định mới của Nga, một nhà nhập khẩu chỉ được ký hợp đồng mua cá với một số đối tác nhất định theo chỉ định. Trước đây, doanh nghiệp nào xuất cá vào Nga cũng được, nhưng nay Việt Nam xuất sang Nga phải chịu hạn ngạch. Điều này đã khiến một số doanh nghiệp thủy sản Việt Nam bị ảnh hưởng. Tuy nhiên từ tháng 10 đến nay, thị trường Nga lại được khai thông. Nam Việt, dù vẫn bám thị trường Nga, song đã bắt đầu khai thác mạnh hơn thị trường Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ. Nhờ thị trường mới, kim ngạch xuất tăng, lợi nhuận sau thuế 10 tháng đầu năm của Nam Việt lên đến 338,5 tỉ đồng (năm 2006 là 266 tỷ đồng). Cả năm Nam Việt có thể đạt lợi nhuận sau thuế 430 tỉ đồng trên vốn điều lệ 660 tỉ đồng, cao nhất trong số các nhà xuất khẩu thủy sản.
 
Thực ra không phải chỉ đến năm ngoái xuất khẩu cá ba sa của Việt Nam vào Nga mới tăng đột biến. Trước đấy, các nhà nhập khẩu châu Âu mua cá Việt Nam rồi bán lại vào Nga. Nhưng từ năm ngoái, các công ty Nga mua cá trực tiếp từ Việt Nam. Thành thử trên giấy tờ, kim ngạch xuất khẩu cá vào Nga tăng mạnh, song sự gia tăng này đã bắt nguồn từ trước, qua nhà nhập khẩu thứ ba. Dự báo sang quí 1-2008 tốc độ xuất khẩu cá vào Nga sẽ còn tăng. Hiện nay, cá ba sa Việt Nam đang lấn lướt cá rô phi Trung Quốc trên thị trường này.
 
Ngoài Nga, thị trường Đông Âu đang được khai phá thận trọng và bài bản, mà Ucraina là một thí dụ. Công ty Hùng Vương đã xây dựng được một mạng lưới chân rết tiêu thụ cá mạnh ở Kiev và các thành phố lớn xung quanh. “Mục tiêu của chúng tôi là sẽ đưa con cá ba sa vào các nước vùng Ban-tích, Bulgary, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Trung Á như Kazakhstan” - ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Hùng Vương nói. Cũng với chiến lược gầy dựng một điểm thị trường chủ yếu, sau đó mở rộng các chân rết, Hùng Vương đang cắm rễ khá vững ở Mexico. Ông Minh cho biết kim ngạch xuất khẩu cá của công ty vào nước này đang tăng gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái. Đây sẽ là một Ucraina mới để Hùng Vương mở rộng xuất khẩu vào Trung Mỹ.
 
Từ chung đến riêng
 
Việc khai thác chuyên nghiệp hơn thị trường bên ngoài là lý do chính giải thích sự gia tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu cá ba sa. Lợi nhuận sau thuế năm 2007 của Hùng Vương khoảng 220 tỉ đồng (vốn điều lệ 350 tỉ đồng), của Mê Kông dự kiến trên 20 tỉ đồng (vốn điều lệ 50 tỉ đồng). Tuy nhiên cạnh tranh trong xuất khẩu cá đang ngày một gay gắt. Cả nước hiện có tới 320 đơn vị xuất khẩu cá và khoảng 100 nhà máy chế biến đủ loại lớn nhỏ sắp được xây dựng. Xuất khẩu cá nóng, chế biến nóng, nuôi trồng bao tiêu sản phẩm cá cho nông dân cũng nóng! Một trong những cái được trong sự hợp tác của ba công ty nói trên là chia vùng bao tiêu cá cho nông dân và thống nhất giá thu mua nguyên liệu, phí vận chuyển, phí hóa chất... Cần phải nhấn mạnh là kể từ sau năm 1975 đến nay, đây là lần đầu tiên có sự hợp tác của dân doanh trong lĩnh vực thủy sản.
 
Song song với hợp tác, các công ty thủy sản đang nỗ lực tìm một hướng đi riêng cho mình. Mê Kông sẽ đẩy mạnh xuất khẩu bạch tuộc, chuẩn bị tăng vốn lên 81 tỉ đồng trước khi niêm yết. Nam Việt sẽ không phát hành thêm cổ phiếu trong những năm tới, thay vào đó là nỗ lực nâng cao lợi nhuận, đảm bảo trả cổ tức bằng tiền ít nhất 18%/năm. Tháng 2 năm sau công ty sẽ đưa vào sử dụng nhà máy chế biến Ấn Độ Dương với công suất 700 tấn nguyên liệu/ngày. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2008 của Nam Việt là 550 tỉ đồng.
Hùng Vương, theo ông Minh, chuẩn bị chốt danh sách, lấy ý kiến cổ đông vào cuối tháng 12-2007 để trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 3:1 và phát hành 7 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược. Ba tổ chức là Crédit Suisse, UOB KayHian, VAM (Vietnam Asset Management Limited) đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu với giá 82.000 đồng/cổ phiếu. Hai triệu cổ phiếu còn lại được dành phân phối cho các nhà nhập khẩu trong đó có Công ty Cimax, đại diện của Wal-Mart ở Mexico. Toàn bộ 900 tỉ đồng thặng dư từ đợt phát hành trước và đợt này sẽ được công ty đầu tư cho hai dự án trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ ở 756 Hồng Bàng, Q.6 với diện tích mặt bằng 6.000 mét vuông; 94-96 Phạm Đình Hổ, Q.6, diện tích mặt bằng 3.200 mét vuông, và phát triển diện tích nuôi cá thêm 40 héc ta tại ĐBSCL.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây