Ngay từ lúc mở cửa, VN-Index đã giảm sâu tới 13,26 điểm và mất tới 14,2 điểm vào đợt khớp lệnh liên tục. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đứng ở mức 365,97 điểm, giảm 13,54 điểm so với hôm qua.
Trong ngày, tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) có 17,3 triệu cổ phiếu được giao dịch, đạt giá trị hơn 545 tỷ đồng, giảm gần ½ so với hôm qua. Toàn sàn có 13 mã tăng giá, 144 mã giảm giá và 10 mã đứng giá.
So với phiên cuối tuần trước, VN-Index đã lấy lại được hơn 18 điểm nhưng vẫn còn cách xa mốc 400.
Trên sàn HOSE, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua hàng với 2,1 triệu đơn vị mua vào và 1,03 triệu đơn vị bán ra, đạt tổng giá trị giao dịch gần 50 tỷ đồng.
Các cổ phiếu được giao dịch mạnh nhất trong ngày vẫn là các blue-chips như Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (STB), Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Hoà Phát (HPG), Phát triển đầu tư công nghệ FPT (FPT), Phát triển đô thị và KCN Sông Đà (SJS), Cáp và vật liệu viễn thông (SAM), Khu CN Tân Tạo (ITA), Cơ điện lạnh (REE), Phân đạm và hoá chất dầu khí (DPM)…
Cổ phiếu được kỳ vọng nhiều là Tài chính dầu khí (PVF) kết thúc một tuần giao dịch tại HOSE ở mức 23.400 đồng/cổ phiếu, giảm 600 đồng so với phiên chào sàn.
Tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC), chỉ số HaSTC cũng rớt ngưỡng 120 điểm khi đóng cửa còn 116,36 điểm, giảm 5,76 điểm, tương đương 4,72 %. Trong ngày có 13 mã tăng giá, một mã đứng giá và 133 mã giảm giá.
Khối lượng giao dịch ở sàn Hà Nội giảm gần 40% nhưng vẫn ở mức khá với 12,3 triệu chứng khoán, đạt giá trị hơn 334 tỷ.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương, Chứng khoán Kim Long (KLS) đứng đầu các mã giao dịch nhiều nhất trên sàn Hà Nội với 2,69 triệu cổ phiếu. Tiếp đó là các mã Ngân hàng Á Châu (ACB): 1,2 triệu; TCT CP Bảo hiểm dầu khí (PVI): 891 nghìn; Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PVS): 700 nghìn; TCT CP XNK và XD Việt Nam (VCG): 494 nghìn.