![]() |
Phiên này, những trụ cột có lượng hàng xả mạnh hai phiên trước được quyết sạch dư bán ở giá trần - Ảnh: Việt Tuấn. |
Nhiệt từ chứng khoán thế giới là “cớ”, bản thân thị trường trong nước đang có những yếu tố hỗ trợ cần thiết.
Chứng khoán lại đồng loạt tăng giá mạnh trên cả hai sàn. VN-Index và HASTC-Index cùng căng gần hết biên độ cho phép. Một diễn biến củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong đợt hồi phục này.
Thời điểm này, có thể nhiều nhà đầu tư vẫn còn thận trọng. Có nhiều nguyên nhân để có trạng thái đó; khá nổi bật là sự lo ngại về yếu tố “nhân tạo” trong diễn biến vừa qua. Khối đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh lại lôi kéo sự ám ảnh về mục đích làm đẹp báo cáo tài chính trước đó.
Tuy nhiên, bên cạnh sự trở lại của chứng khoán thế giới, thị trường trong nước đang có những yếu tố nội tại cần xét đến.
Trong bản tin trước, nhận định được đưa ra là cổ phiếu của các công ty chứng khoán trên sàn đang là một tín hiệu quan trọng của thị trường. Điều này cũng đã thể hiện rõ trong hai phiên vừa qua, khi những trụ cột chính tại HOSE và HASTC là SSI và BVS khẳng định sự vững vàng và hấp dẫn mua vào. Không phải ngẫu nhiên, hoặc có yếu tố “nhân tạo” chi phối, mà diễn biến đó còn có cơ sở từ thực tế.
Thị trường sôi động trở lại. Giá trị giao dịch đạt trên 1.000 tỷ đồng, thậm chí gần 2.000 tỷ đồng/phiên là một chuyển biến có lợi cho hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán. Giá chứng khoán tăng mạnh thời gian qua cũng tạo cơ hội “trả lại” giá trị trích lập dự phòng đầu tư tài chính – yếu tố tác động mạnh đến lợi nhuận của những thành viên này trong năm 2008 – và giảm bớt khả năng đốt cháy lợi nhuận. Mở rộng ra, với khoảng 80% công ty niêm yết trên sàn tham gia đầu tư tài chính, đó cũng là một chuyển biến có lợi.
Xét về sức cầu, một yếu tố thực tế được bàn luận khá nhiều thời gian qua là nguồn tiền gửi ngân hàng lãi suất cao trong năm 2008 đang lần lượt đáo hạn. Một điểm đến của dòng chảy này là chứng khoán, dù có thể đó là sự tiếp sức trong ngắn hạn.
Một yếu tố khác đến từ nhiệt của các nhà băng. Cổ phiếu của ACB và Sacombank đang đóng vai trò ảnh hưởng lớn trên sàn, giá tăng mạnh và thanh khoản cao đã và đang tạo sức lan tỏa đối với không khí chung. Và trong quý 1/2008, sau một năm chùng xuống, cỗ máy lợi nhuận ngân hàng đã có vẻ “mượt” hơn.
Ngoài ra, về vĩ mô và yếu tố chính sách, vẫn phải nhắc lại, thời điểm này chủ trương mở rộng hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay trung và dài hạn được giới đầu tư gửi gắm nhiều kỳ vọng. Đây cũng là một thuận lợi thực tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Và phiên hôm nay, sau những phiên điều chỉnh nhẹ, lượng cung hàng đã có dấu hiệu giảm bớt, trong khi sức cầu tiếp tục mạnh. Ngay từ đầu phiên, VN-Index đã tăng điểm thuyết phục, bỏ qua bước thăm dò thường có sau các phiên điều chỉnh. Chỉ số này hiện đã lên mức 325,05 điểm, tăng tới 4,27% so với phiên trước (13,33 điểm). HASTC-Index cũng thẳng tiến với sức vươn ấn tượng kể từ tháng 8/2008 đến nay; tăng tới 6,36%, thêm 7,09 điểm, lên 118,58 điểm.
Giá trị của phiên cuối tuần này không chỉ là điểm số, giá chứng khoán có được, mà là xu hướng bứt phá được khẳng định. Mức điểm của các chỉ số lúc đóng cửa cũng chính là sức tăng mạnh nhất trong phiên.
Một giá trị khác là sự thắng thế của lực lượng mua vào, bất chấp cả phiên bán ròng mạnh nối tiếp của nhóm đầu tư nước ngoài. Lượng hàng vẫn xả mạnh ở một số trụ cột, nhưng đều được đánh chặn thành công ở giá trần.
Phiên này, khối ngoại bán ròng 55,86 tỷ đồng giá trị, tập trung ở một số điểm nóng trong những phiên vừa qua. Nổi bật là ở STB của Sacombank, khi họ trở lại bán mạnh với hơn 2 triệu đơn vị. Tuy nhiên, cả ở những áp lực đẩy hàng từ những đối tượng khác, lương dư bán ở STB được quét sạch ở giá trần. Trong khi đó, tại SSI hay BVS, SAM… sức tăng trần khẳng định tuyệt đối và đà xả hàng đã có dấu hiệu kìm chặt.
Dấu hiệu kìm hàng cũng là tình thế chung, khi khối lượng trên HOSE toàn phiên chỉ đạt 30,04 triệu đơn vị, sụt mạnh so với những phiên vừa qua. Trên HASTC, khối lượng được duy trì khi có 19,11 triệu cổ phiếu chuyển nhượng thành công, nhưng khá thấp so với kỷ lục được xác lập đầu tuần này. Cụ thể tại một số đầu tàu thanh khoản, ACB hay KLS, khối lượng đã sụt giảm mạnh…
Trước khí thế này, trên bảng điện tử ở hai đầu cầu Hà Nội và Tp.HCM chỉ có hơn chục “chấm đỏ”; riêng “chấm đỏ” DRC là mức giá trần trong ngày giao dịch không hướng quyền.