![]() |
Khối đầu tư nước ngoài tiếp tục có hướng gom hàng và mua ròng. |
VN-Index vẫn chỉ thay đổi trong biên độ hẹp, giao dịch vẫn cầm chừng ngoài dấu hiệu gom mua của khối ngoại.
Mốc 300 điểm của VN-Index một lần nữa bị xuyên qua khi tốc độ giảm của phiên trước (23/12) được chuyển tiếp trong đợt 1; còn 298,78 điểm, giảm 5,15 điểm. Chỉ số này vẫn “neo” quanh mốc 300 điểm, chưa có sự đột biến để tạo cách biệt.
Từ đợt 2, VN-Index gượng lại; kết thúc phiên đảo chiều thành công với mức tăng nhẹ 0,12 điểm, về 304,05 điểm.
Khối lượng giao dịch toàn phiên sụt giảm mạnh so với phiên liền trước (chủ yếu trong so sánh giao dịch thỏa thuận); chỉ đạt 12,2 triệu đơn vị với 286,2 tỷ đồng.
Sau phiên bán ra mạnh trước đó, nhà đầu tư đang có dấu hiệu cầm chừng chờ đợi những thông tin tác động thực sự rõ ràng. Trước hết là những công bố chính thức của Chính phủ về gói giải pháp và nguồn lực kích cầu dự kiến có vào cuối chiều nay. Kế đến là kết quả đấu giá cổ phần Ngân hàng Công thương (Vietinbank) vào ngày mai (25/12).
Về cuộc đấu giá này, có thể nhiều nhà đầu tư đã hình dung trước kết quả, trên cơ sở lượng đặt mua và sự tham gia của các khối nhà đầu tư. Theo thống kê của HOSE, lượng đặt mua cổ phần Vietinbank có dư so với chào bán, nhưng chênh lệch thấp và khó tạo cạnh tranh về giá. Mặt khác, trong cơ cấu tham gia, khối đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tổ chức, khá hạn chế.
Xa hơn, một thông tin khác đang được chờ đợi là có thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét lại kế hoạch triển khai Luật Thuế thu nhập cá nhân vào cuối tuần này.
Trên sàn, ngoài khối lượng chung sụt giảm, sự ảm đạm cũng có ở những đầu tàu giao dịch những phiên gần đây. Cụ thể, STB vẫn là cổ phiếu có khối lượng lớn nhất nhưng chỉ đạt hơn 1 triệu đơn vị. PVF sau phiên sôi động liền trước cũng lùi về còn gần 0,78 triệu đơn vị. SSI đứng vị trí thứ hai với 0,92 triệu đơn vị.
Trong giao dịch thỏa thuận, ANV tiếp tục là cổ phiếu có khối lượng lớn với 2,7 triệu đơn vị, giá cao hơn mức tham chiếu 400 đồng/cổ phiếu; trong khớp lệnh giá giảm 200 đồng/cổ phiếu.
Điểm đáng chú ý là khối đầu tư nước ngoài tiếp tục có hướng gom hàng và mua ròng. Cụ thể, theo thống kê của HOSE, khối này mua vào 1.591.830 đơn vị, trị giá 56,3 tỷ đồng; bán ra 896.700 đơn vị, trị giá gần 20 tỷ đồng.
Đây là phiên có nhiều biến động về giá của nhóm cổ phiếu lớn. STB sau những phiên giảm nhẹ đã “xanh” trở lại, thêm 100 đồng/cổ phiếu. PVF cũng đã tăng giá trở lại, thêm 400 đồng/cổ phiếu. VNM tăng 1.000 đồng/cổ phiếu. VIC và HPG đã giữ được giá tham chiếu. FPT, DPM, SSI, REE, SAM… tiếp tục giảm thêm. PPC đã đảo chiều, giảm nhẹ 100 đồng/cổ phiếu. VPL có phiên giảm sàn thứ tư liên tiếp…
Diễn biến trên giữ VN-Index có một phiên đi ngang. Tính chung trên sàn, lượng mà tăng và giảm cũng khá cân bằng: 68 mã tăng, 63 mã giảm và 43 mã giá không thay đổi.
Riêng HAG của Hoàng Anh Gia Lai đang có những ngày đầu thuận lợi khi đạt giá trần phiên thứ ba liên tiếp, khối lượng khớp thành công tiếp tục hạn chế chỉ với 1.000 đơn vị, dư mua 287.360 đơn vị.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HASTC-Index tiếp tục giảm nhẹ 0,9 điểm, còn 104,35 điểm. Khối lượng giao dịch cũng giảm xuống còn 5 triệu cổ phiếu với 108,8 tỷ đồng giá trị.
Những cổ phiếu lớn tại đây như ACB, BVS, KBC, KLS, PAN, PVS, VNR… cùng giảm giá, trong đó KBC nổi bật khi giảm mạnh nhất trên sàn (6,89%). Tính chung, lượng cổ phiếu giảm giá vẫn chiếm phần lớn với 77 mã, lượng cổ phiếu tăng có 65 mã, còn lại 26 mã giá không thay đổi.