![]() |
Thị trường sẽ tự điều chỉnh hay phải cần tới những hỗ trợ mới? |
Giá trị của từ “suy thoái” đang dần trọn vẹn để nói về thị trường thời điểm này, khi tính thanh khoản đang dần mất đi, đà giảm diễn ra nhanh, mạnh và kéo dài!
Cách đây một năm, nhiều đánh giá trên thế giới tập trung nói về thị trường chứng khoán Việt Nam với ấn tượng là thị trường phát triển tốt nhất châu Á. Còn nay, mọi con mắt quan sát đang hướng về khả năng “ứng cứu” và chờ đợi điểm kết của đà suy thoái.
Nhưng với phiên hôm nay, thị trường tiếp tục cho thấy một thách thức lớn trong khả năng ngăn chặn, trước khi nói đến phục hồi. Bởi trước thêm phiên này, thị trường đã xuất hiện nhiều thông tin tích cực.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định "liệu pháp" SCIC đã chính thức mờ nhạt, nếu không nói là thất bại. Vậy thị trường sẽ tự điều chỉnh hay phải cần tới những hỗ trợ mới? Vế sau là điều nhà đầu tư đang mong đợi, nhưng “cứu” như thế nào vẫn là một khó khăn.
Sẽ mở “room”, bơm tiền hỗ trợ thị trường, cho cơ chế mua – bán khống, cho nhà đầu tư mở nhiều tài khoản, cởi mở cơ chế cho vay đầu tư chứng khoán…? Những giải pháp này đều khó hiện thực. Trường hợp thực hiện, triển khai thế nào cũng là câu hỏi lớn, bởi Chính phủ đã lần lượt “mất” những “quân bài” chiến lược như lùi thời điểm đánh thuế thu nhập, SCIC vào cuộc, dãn IPO…
Một lần nữa, cảnh báo về những phương thuốc không đủ liều, dùng không đúng cách có thể khiến bệnh tình thêm trầm trọng lại được nhắc tới.
Xét lại, mối quan ngại lớn nhất hiện nay là lạm phát. Hiện đã có tín hiệu các chính sách kiềm chế đang bắt đầu phát huy tác dụng. Cuối tuần qua, khả năng tăng giá những mặt hàng chủ chốt như xăng dầu, xi măng… đã được chốt lại. Trong tuần này, các cơ quan chức năng cũng sẽ ngồi lại để tiếp tục bàn về những giải pháp kiềm chế.
Mối quan ngại thứ hai là tâm lý nhà đầu tư. Trong đà bán tháo hiện nay, nguồn chủ yếu được xác định từ các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán, áp đảo dòng chảy của khối cá nhân. Một số chuyên gia phát biểu cuối tuần qua cho rằng nếu chặn được dòng “xả lũ” nói trên sẽ tạo tâm lý rất thuận lợi cho thị trường, nhất là khi giá nhiều chứng khoán đã giảm dưới cả giá trị sổ sách.
Nhưng giá vẫn đang giảm mạnh. Phiên hôm nay trên sàn Tp.HCM vẫn tiếp tục khủng hoảng giá sàn với khoảng 90% mã. VN-Index giảm tới 24,61 điểm, gần hết khả năng cho phép và chỉ còn 521,07 điểm. Đáng chú ý là lượng mua vào đã hạn chế, dư mua thưa thớt trong khi dư bán ngập sàn. Tổng khối lượng chỉ còn 10 triệu đơn vị (kể cả trái phiếu) với 498,2 tỷ đồng giá trị.
Ngoài một số mã xanh như TMS, SGH, SFN, PAC, còn lại hầu hết đều giảm mạnh. Nếu diễn biến này tiếp diễn, nhiều khả năng thị trường sẽ phải chấp nhận một thực tế có một nhóm hàng trở về gần với mệnh giá!
Trên sàn Hà Nội, HASTC-Index cũng giảm mạnh 13,36 điểm, xuống còn 178,56 điểm; khối lượng và giá trị giao dịch ổn định so với phiên trước, có 5,1 triệu cổ phiếu giao dịch với 245 tỷ đồng.
Cùng như trên sàn Tp.HCM, phần lớn cổ phiếu trên HASTC đều đồng loạt giảm sàn. Diễn biến này cho thấy thị trường vẫn đang dốc ngược, không có sự phân biệt giữa các chứng khoán tốt với xấu.
Lan Ngọc