Chứng khoán ngày 9/1: Biến động từ khối ngoại

Bên lề phiên hôm nay, thông tin được giới đầu tư chú ý là diễn biến mới về lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại.

Lượng mua vào của khối đầu tư nước ngoài giảm mạnh trên sàn HOSE càng khiến nhà đầu tư trong nước thận trọng hơn.

Phiên thứ hai liên tiếp khối đầu tư nước ngoài bán ròng. Giao dịch của khối này chùng hẳn xuống, đặc biệt ở lượng mua vào.

Theo thống kê của HOSE, trong phiên sáng nay, khối đầu tư nước ngoài chỉ mua vào 497.710 đơn vị, giảm mạnh so với mức trên 2 triệu đơn vị của phiên liền trước cũng như hướng trở lại vừa gợi mở giữa tuần. Lượng bán ra cũng giảm mạnh, 1.155.260 đơn vị với gần 36,6 tỷ đồng giá trị. Đây cũng là phiên bán ròng thứ hai về giá trị (hơn 14,7 tỷ đồng) trong tháng.

Sự “đảo chiều” trong giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài ở thời điểm này có thể khiến nhà đầu tư trong nước thận trọng hơn; nhất là trong bối cảnh thị trường thiếu thông tin tác động nổi bật và chứng khoán thế giới đang trải qua những phiên khó khăn.

Bên lề phiên hôm nay, thông tin được giới đầu tư chú ý là diễn biến mới về lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại. Hiện một số ngân hàng lớn đang xem xét giảm lãi suất cho vay trước hạn đối với những doanh nghiệp chịu lãi cao ở thời điểm vay vốn giữa năm 2008. Nhiều dự báo cũng tập trung vào khả năng lãi suất cơ bản sẽ tiếp tục giảm thêm trong quý 1 này.

Một thông tin khác cũng được đề cập đến từ một lãnh đạo của Bộ Tài chính, về khả năng việc thực hiện thuế thu nhập cá nhân, trong đó có thu nhập từ chứng khoán, sẽ được giãn đến tháng 5/2009. Tuy nhiên, khả năng hiện thực của sự “gợi mở” này vẫn phải chờ đợi ý kiến chính thức của Quốc hội.

Trong phiên, với sự sụt giảm trong giao dịch của khối đầu tư nước ngoài, khối lượng chung toàn phiên cũng chìm ở mức thấp, chỉ đạt gần 8,5 triệu đơn vị với 277,5 tỷ đồng giá trị. Trong giao dịch thỏa thuận có 900.000 đơn vị trái phiếu với 97,56 tỷ đồng.

Sự suy giảm của khối lượng cũng có ở những tâm điểm cụ thể. Như với SSI, cổ phiếu vừa có hai phiên giao dịch mạnh trước đó, khối lượng chỉ còn 0,55 triệu đơn vị. Đỉnh điểm REE trong phiên hôm qua cũng chỉ còn gần 0,5 triệu đơn vị. STB vẫn chưa lấy lại được vị trí đầu tàu khi chỉ có gần 0,42 triệu đơn vị.

Trong Top 5 mã có khối lượng giao dịch mạnh nhất, SSI vẫn dẫn đầu, kế đến là REE, STB, chứng chỉ quỹ VFMVF1 và HPG.

Trong phiên trước, hầu hết các cổ phiếu có vốn hóa thị trường hàng đầu đều giảm giá; hôm nay đã có sự phân nhóm. Nổi bật là sự trở lại của VPL, tăng trần thêm 2.500 đồng/cổ phiếu, cắt cơn sụt giảm mạnh trước đó. Đây cũng là mã có mức tăng mạnh nhất trên HOSE phiên này.

Cùng với VPL, những cổ phiếu lớn như HAG, PVD, PVF và HPG cùng tăng giá trở lại, nhưng là những mức tăng nhẹ. Ngược lại, VNM, FPT, VIC, ITA, SSI, PVT… cùng giảm giá khá mạnh.

Tính chung kết thúc phiên có tới 80 mã giảm, chỉ có 50 mã tăng và 45 mã ở giá tham chiếu. VN-Index trượt nhẹ, mất 0,75 điểm, còn 313,4 điểm.

Ngược lại, chỉ số HASTC-Index trên sàn Hà Nội đã tăng điểm trở lại, sau một phiên giằng co trong biên độ hẹp. Chỉ số này hiện ở mức 106,17 điểm, tăng 0,5 điểm so với phiên trước.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu tại đây đạt hơn 4,8 triệu đơn vị với gần 143,3 tỷ đồng giá trị; trong đó, những cổ phiếu lớn như ACB, VCG, KLS, PVS chiếm tỷ trọng dẫn đầu về khối lượng, lần lượt là 9,49%, 7,47%, 6,06% và 2,24%.

Những cổ phiếu lớn như KBC, KLS, NTP, PVI, VCG cùng tăng giá nhẹ, hỗ trợ HASTC-Index; ACB, VNR đứng ở giá tham chiếu; BVS và PVS giảm nhẹ. Tăng giá mạnh nhất là VTL, MCO, AGC, STC, HPS… Giảm mạnh nhất là C92, SPP, V11, HTP, SAP…

Tính chung, tại đây có 73 cổ phiếu tăng giá, 53 mã giảm, 29 mã giữ giá tham chiếu và 15 mã không có giao dịch.

Khối đầu tư nước ngoài tiếp tục giao dịch mạnh. Tổng khối lượng lên tới 2,79 triệu đơn vị với 149,72 tỷ đồng giá trị. Lượng mua vào của khối này gần 1,4 triệu cổ phiếu, ứng với 74,96 tỷ đồng giá trị; bán ra 1,4 triệu cổ phiếu với 74,75 tỷ đồng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây