 |
Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, khi VN-Index xuống dưới mốc 300 điểm, nhiều nhà đầu tư càng thận trọng hơn; theo đó, nguồn lực vẫn tạm ở bên lề thị trường.
|
Đây là phiên đầu tiên của tuần này thị trường có những biến động mạnh, thay cho hướng giảm điểm “nhất quán” trước đó. Cụ thể, trong đợt 1, VN-Index tiếp tục giảm điểm, nhưng biến động mạnh đã xuất hiện từ đợt 2, khi giá nhiều cổ phiếu lớn bắt đầu lên tiếng và màu xanh trở lại.
Trong đợt 1, VN-Index kéo dài hướng giảm khi mất thêm 3,13 điểm (1.08%). Khối lượng giao dịch trong đợt này tăng nhẹ so với cùng thời điểm ở phiên liền trước, đạt hơn 1,6 triệu đơn vị. Nhưng toàn phiên, khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh, chỉ đạt hơn 9,3 triệu đơn vị với 213,3 tỷ đồng giá trị.
Ở phiên trước, khối lượng tăng lên do có lượng lớn trái phiếu trong giao dịch thỏa thuận và chuyển nhượng mạnh ở 2 mã GMD và REE, bên cạnh sự sôi động trở lại của khối đầu tư nước ngoài.
Nhưng ở phiên hôm nay, trong khối lượng và giá trị chung của phiên, khối ngoại đã thu hẹp giao dịch. Cụ thể, khối này chỉ mua vào tổng 1.151.470 đơn vị, bán ra 1.231.970 đơn vị, giảm trên 50% về khối lượng so với phiên liền trước; giá trị bán ròng cũng ở mức thấp với hơn 1,6 tỷ đồng giá trị.
Giao dịch mạnh nhất vẫn là STB, nhưng khối lượng giảm mạnh so với phiên liền trước, chỉ đạt hơn 1,7 triệu đơn vị (so với 2,7 triệu hôm qua). SSI, FPT, DPM vẫn là thành viên của Top 5 mã giao dịch mạnh; trong đó FPT vẫn duy trì khối lượng với hơn 3,6 triệu đơn vị, SSI chỉ có gần 0,6 triệu đơn vị (phiên trước là 0,82 triệu), DPM đạt 0,52 triệu đơn vị (phiên trước 0,38 triệu) và PPC có gần 0,34 triệu đơn vị.
Giao dịch vẫn chưa thể mạnh lên, dù giá nhiều chứng khoán và chỉ số đang gợi hướng tăng trở lại. Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, khi VN-Index xuống dưới mốc 300 điểm, nhiều nhà đầu tư càng thận trọng hơn; theo đó, nguồn lực vẫn tạm ở bên lề thị trường.
Về kết quả của VN-Index hôm nay, lực hỗ trợ có ở nhiều cổ phiếu lớn, cũng như hướng tăng giá đã phổ biến hơn trên sàn. Những cổ phiếu có ảnh hưởng lớn như FPT, HPG, PVD, PVF, STB, SSI, VIC, VNM đều tăng giá đáng kể. Nổi bật là blue-chip VNM đạt giá trần; các mã như FPT, VIC, HPG, PVF tăng giá khá mạnh. Ngoài ra một số mã như REE, SAM, VSH… cùng góp sức hỗ trợ VN-Index phiên này, trong khi những mã lớn như DPM, PPC, VPL, ITA tạm thời không can thiệp đến chỉ số khi giữ giá tham chiếu.
Tính chung có 77 mã tăng giá, 31 mã không thay đổi và còn 64 mã giảm giá. Tăng giá mạnh nhất là OPC, kịch trần biên độ cho phép; kế đến là VSC, VNM, BT6, VHG….
Với sự hỗ trợ đồng loạt của nhóm cổ phiếu lớn, VN-Index đã đảo chiều từ đợt 2 và duy trì được hướng tăng điểm đến kết thúc phiên. Hiện chỉ số này đang ở mức 293,3 điểm, tăng 4,61 điểm (1,59%) so với phiên trước.
VN-Index đã tăng trở lại, nhưng việc xác định xu hướng của thị trường vẫn là một khó khăn của nhà đầu tư, nhất là khi chịu ảnh hưởng nhất định từ thị trường thế giới hay những chính sách liên quan trong nước.
Về tác động của thị trường thế giới, thuận lợi ở thời điểm này là hướng lên điểm của chứng khoán Mỹ và châu Á. Về tác động chính sách, thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán vẫn tiếp tục triển khai.
Sáng nay, Tổng cục Thuế đã có hội nghị tiếp tục tuyên truyền về chính sách thuế thu nhập cá nhân. Tại hội nghị này, lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định không và chưa có bất kỳ thông tin nào hoãn, giãn chính sách này; tính thần chung vẫn là tích cực chuẩn bị để thực hiện theo đúng lộ trình từ 1/1/2009.
Trên sàn Hà Nội, HASTC-Index cũng có phiên đảo chiều thành công, nới thêm khoảng cách với “bờ” 100 điểm, khi có thêm chẵn 3 điểm (tăng 3%), hiện ở mức 103,11 điểm.
Tại đây nhiều cổ phiếu lớn đã tăng giá như ACB, BVS, KLS, KBC, NTP, PAN, PVI, PVS, VCG, VNR… Riêng KBC vẫn là cổ phiếu tạo đợt tăng ấn tượng nhất trên sàn hiện nay, có thêm 3.000 đồng/cổ phiếu.
Khối lượng giao dịch phiên này giảm nhẹ còn 6 triệu đơn vị với 140 tỷ đồng giá trị. Trong đó, khối đầu tư nước ngoài tăng nhẹ so với phiên đầu tuần, có tổng khối lượng đạt 309.200 cổ phiếu, trị giá 5 tỷ đồng (so với 3 tỷ đồng phiên liền trước). Giá trị giao dịch của khối này khá cân bằng trong mua vào – bán ra; cụ thể họ mua vào 117.000 cổ phiếu, ứng với giá trị 2,4 tỷ đồng, bán ra 192.200 cổ phiếu với giá trị 2,6 tỷ đồng.