Chứng khoán "ngày thứ ba đen tối"

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13-11, chỉ số chứng khoán (CK) của hai sàn Hà Nội và TP.HCM đều giảm mạnh. VN-Index phá "đáy" 1.000 điểm, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 24-9. HASTC-Index tại sàn Hà Nội cũng có phiên giảm mạnh nhất từ trước đến nay.

Hai sàn đều giảm

"Kể từ khi CK phục hồi, nay mới có đợt nhà đầu tư (NĐT) đồng loạt xả hàng mạnh..." - anh Nguyễn Văn Hùng, NĐT tại sàn chứng khoán SSI, nói. Theo anh Hùng, rất nhiều NĐT hi vọng sau khi đạt ngưỡng hỗ trợ 1.000 điểm, thị trường sẽ bật lên nhưng điều đó đã không xảy ra. Khi đợt khớp lệnh liên tục không có dấu hiệu khả quan, VN-Index kết thúc đợt này giảm đến 26,72 điểm (tương đương 2,65%), nhiều NĐT đã đổ ra bán lệnh ATC (lệnh ưu tiên) trong đợt ba với một khối lượng lớn CK.

Làm ăn lãi cao, giá vẫn giảm

Theo một số chuyên gia CK, điều khá ngạc nhiên là hầu hết các CK của những đơn vị có kết quả làm ăn và thông tin khá tốt, thuộc những ngành tốt nhất trên thị trường như ngân hàng, dược, bất động sản, cao su... cũng đều rớt giá mạnh.

Theo tính toán của một chuyên gia CK, nếu loại trừ giá trị giao dịch của một số cổ phiếu lớn vừa lên sàn, giá trị giao dịch của thị trường đã giảm xấp xỉ 30%!

Hơn một nửa mã CK tại sàn CK TP.HCM đều có dư mua bằng không, trong khi hầu hết các mã đều dư bán với khối lượng lớn. Với 117 CK giảm giá, chỉ có năm mã tăng giá và bốn mã đứng giá, VN-Index kết thúc phiên này mất đến 32,53 điểm (tương đương giảm 3,23%), xuống còn 973,59 điểm. Đây là phiên thứ tám liên tiếp VN-Index mất điểm. Nếu so với phiên đóng cửa cuối tháng mười, VN-Index đã mất tổng cộng 91,5 điểm!

Tại sàn Hà Nội, phiên này cũng chỉ có... hai CK tăng giá, trong khi có đến 89 mã rớt giá và duy nhất một mã đứng giá, chỉ số HASTC-Index kết thúc phiên mất đến 24,14 điểm (tương đương 7,06%).

Tính chung cả hai sàn có tổng cộng 206 mã CK giảm giá, chiếm đến 94,5% số lượng CK niêm yết, trong đó 114 mã giảm sàn, chiếm 52,3%! "Ngày thứ ba đen tối của CK VN!..." - anh Huỳnh Đức, một NĐT tại sàn CK ACBS, nói khi bình luận về diễn biến của thị trường phiên này.

Thị trường "vạ lây" từ Vietcombank

Chuyên gia CK Huỳnh Anh Tuấn cho rằng hàng loạt thông tin rất xấu của thị trường CK toàn cầu đã tác động rất lớn đến NĐT nước ngoài và động thái của NĐT nước ngoài lại ảnh hưởng dây chuyền đến NĐT trong nước.

"Nhiều NĐT trong nước cũng hi vọng NĐT nước ngoài sẽ mua vào khi thị trường điều chỉnh sâu để "cứu" thị trường. Nhưng NĐT nước ngoài cũng kinh doanh chứ đâu phải là nhà... từ thiện. Họ chỉ tính toán mua vào khi thấy giá phù hợp thay vì mua bán theo phong trào như nhiều NĐT trong nước..." - một chuyên gia CK nói.

Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh:

Cơ hội mua thấp, bán cao

Khi thị trường đi xuống sẽ tạo ra cơ hội tốt cho các nhà đầu tư theo thông tin. Đây là thời gian vàng để mua vào một số cổ phiếu để thu lợi theo kiểu "mua thấp, bán cao". Thị trường đi xuống cũng tạo ra cơ hội cho những nhà đầu tư giá trị. Ông Warren Buffet có nói: "Hãy tham lam khi thị trường sợ hãi và hãy sợ hãi khi thị trường tham lam". Thị trường đang "sợ hãi" làm thị giá của một số cổ phiếu thấp hơn giá trị nội tại của chúng. Mua những cổ phiếu này và giữ lâu dài, nhà đầu tư sẽ gặt hái được lợi nhuận. Vấn đề là nhà đầu tư phải lựa chọn được cổ phiếu tốt.

Ngoài ra, những NĐT là cổ đông của các công ty mới niêm yết, được mua cổ phiếu với giá thấp ban đầu cũng bắt đầu xả hàng trước diễn biến xấu của thị trường, góp phần gây ra đợt bán tháo trên sàn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia CK, chính những thông tin thiếu rõ ràng về đợt bán cổ phần lần đầu (IPO) của Vietcombank (VCB) đã gây tác động lớn đến tâm lý NĐT. Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần CK Đông Dương - cho rằng rất nhiều NĐT bày tỏ lo lắng với thông tin NĐT nước ngoài đưa ra một mức giá khá thấp đối với cổ phần của VCB.

"Cùng với thông tin về việc VCB và Incombank thay đổi lãnh đạo, những thông tin về giá đàm phán mua cổ phần VCB của NĐT nước ngoài, rồi thời điểm IPO của VCB đã có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý NĐT. Lẽ ra những thông tin này phải được công bố công khai và rõ ràng cho NĐT..." - ông Chinh nói.

Một số chuyên gia cũng cho rằng trong khi nguồn vốn của NĐT có giới hạn, lại không được hỗ trợ từ ngân hàng, việc có quá nhiều công ty mới niêm yết, công ty phát hành thêm cổ phiếu... đã "nhấn chìm" thị trường. "Khối lượng và giá trị giao dịch trên thị trường không tăng, thậm chí giảm, trong khi khối lượng cổ phiếu mới đưa vào niêm yết khá lớn, chắc chắn giá cả một loạt cổ phiếu đã và sẽ bị điều chỉnh..." - một chuyên gia nói.

Chỉ riêng đợt IPO của Công ty Tài chính dầu khí vừa qua đã thu hút một lượng tiền khoảng 4.200 tỉ đồng (tính theo giá đấu thành công bình quân), trong đó chắc chắn đã có một lượng vốn khá lớn được NĐT bán CK trên sàn để chuyển qua.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây