“Cơ chế giá đã không được vận hành hoàn hảo”

TS Vũ Thành Tự Anh - Ảnh: X.T.

Vì sao có điều bất thường này? Trao đổi với chúng tôi, TS Vũ Thành Tự Anh - giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy Fulbright - cho rằng: do không có sức ép cạnh tranh từ thị trường trong nước và thiếu cơ chế giám sát hiệu quả từ Nhà nước...

- Nếu xét riêng đối với mặt hàng xăng dầu, có thể dễ dàng lý giải khi giá bán lẻ tăng, vì khi giá dầu thế giới tăng kéo giá bán lẻ trong nước tăng theo, trừ trường hợp trước đây Chính phủ bù lỗ để bình ổn giá. Nhưng từ thời điểm 16-9-2008, khi Chính phủ chấm dứt bù lỗ, các doanh nghiệp chuyển sang kinh doanh theo cơ chế thị trường thì giá cả phải linh hoạt, nghĩa là khi giá thế giới lên thì giá trong nước cũng lên và khi giá thế giới giảm thì giá trong nước phải giảm.

Tuy nhiên, ngay cả khi giá dầu thế giới hiện chỉ còn dưới 70 USD/ thùng so với thời kỳ đỉnh điểm ở mức 147 USD/thùng vào tháng 7-2008, tương đương với mức giảm trên 50% thì giá xăng bán lẻ trong nước tới thời điểm này chỉ giảm từ 19.000 đồng/lít xuống 15.500 đồng, tức là giảm khoảng 20%. Điều đó cho thấy đang có sự chênh lệch đáng kể giữa mức độ giảm giá trong nước với giá thế giới.

Tại VN, nhìn vào cấu trúc thị trường kinh doanh xăng dầu thấy hiện chỉ có 11 đầu mối được phép nhập khẩu xăng dầu, trong đó Petrolimex chiếm khoảng 60% thị phần, tức đơn vị này đang thống lĩnh thị trường. Một khi có khả năng chi phối thị trường thì Petrolimex hoàn toàn có thể định giá bán cao hơn giá thành một mức đáng kể và đương nhiên các đơn vị khác sẽ được “ăn theo”. Trong thời gian giá dầu thế giới giảm mạnh vừa qua Petrolimex không giảm giá bán lẻ tương ứng bởi do không có sức ép của cạnh tranh, trong khi nếu giảm theo kiểu “nhỏ giọt” sẽ được lợi rất nhiều.

* Thực tế vừa qua cũng có những lĩnh vực có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế khác như gas, thức ăn chăn nuôi... dù giá nguyên liệu thế giới giảm mạnh nhưng giá bán những mặt hàng này ở trong nước vẫn chưa thay đổi?

- Câu chuyện của xăng dầu tương tự những mặt hàng khác như gas, thức ăn chăn nuôi..., nhưng chỉ có điều thay vì đơn vị thống lĩnh thị trường là một doanh nghiệp nhà nước thì ở một số lĩnh vực là doanh nghiệp tư nhân.

So với giá nhập khẩu, giá xăng bán lẻ trong nước tăng nhiều hơn khi giá lên nhưng lại hạ ít hơn khi giá xuống

Điểm giống nhau cơ bản của những trường hợp này là sự vận hành của cơ chế thị trường đã bị bóp méo và sự bóp méo này không được Nhà nước sửa chữa một cách thích đáng. Trong trường hợp xăng dầu, việc chỉ cho phép 11 đơn vị làm đầu mối nhập khẩu đã hạn chế cạnh tranh. Song song việc duy trì quyền lực thị trường nhưng lại không bị giám sát cũng đã hạn chế vai trò điều tiết của Nhà nước. Tương tự đối với ngành thức ăn chăn nuôi, quyền lực thị trường đối với một số công ty không được giám sát chặt chẽ nên mới xảy ra tình trạng như vậy.

Ở các nước, trong một số lĩnh vực, khi công ty có quyền lực chi phối thị trường thì nhà nước sẽ giữ vai trò điều tiết giám sát để đảm bảo cho nó có một tỉ lệ lợi nhuận thỏa đáng, nhưng đồng thời hạn chế việc lạm dụng quyền lực thị trường để làm tổn hại đến lợi ích người tiêu dùng. Trong khi đó, việc thực thi Luật cạnh tranh ở VN chưa hiệu quả, vì vậy chưa bảo vệ được phúc lợi của người tiêu dùng nên để các công ty thống lĩnh thị trường lạm dụng vị thế định giá sản phẩm quá cao.

* Hầu hết doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên đều đưa ra lý do để trì hoãn việc giảm giá là do đã lỡ ký hợp đồng ở giá cao nên bây giờ không thể bán giá thấp. Nếu chỉ xét riêng ở góc độ kinh doanh, ông thấy lý do này có thuyết phục?

- Có thể chấp nhận một “độ trễ” nhất định trong việc điều chỉnh giá xăng để theo kịp với đà giảm giá trên thị trường thế giới, nhưng khi trễ nhiều quá thì lại khó chấp nhận. Ở câu chuyện giá xăng dầu, bên cạnh độ trễ trong điều chỉnh giá thì trong thời gian được Chính phủ bù lỗ, mọi doanh nghiệp đều được bù lỗ bất kể chi phí cao hay thấp. Điều đó có nghĩa chúng ta đã cào bằng giữa công ty làm ăn có hiệu quả với công ty kém hiệu quả.

Vì vậy, nếu lỗ càng lớn thì bù lỗ càng nhiều, trong khi nguyên nhân dẫn đến thua lỗ có thể do làm ăn kém hiệu quả chứ không phải do tình hình thị trường. Từ đó dẫn đến tâm lý ỷ lại trong các công ty đầu mối nhập khẩu xăng dầu là không quan tâm nhiều đến việc giảm chi phí thông qua việc đàm phán giá mua hay tiết giảm chi phí. Do đó, việc họ đưa ra các lý do để trì hoãn hoặc giảm không tương ứng với giá thế giới là hoàn toàn không thuyết phục.

Từ câu chuyện xăng dầu có thể thấy vấn đề cốt lõi là cơ chế chứ không phải là thị trường. Có thể khẳng định việc trì hoãn giảm giá là do không có sức ép cạnh tranh từ thị trường trong nước và thiếu cơ chế điều tiết giám sát hiệu quả của Nhà nước. Hệ quả là những công ty có thế lực thị trường đã lạm dụng vị thế của mình trong việc quyết định giá bán, trong khi tất cả các công ty khác “ăn theo”, điều này dẫn đến một mặt bằng giá cao và chậm điều chỉnh như chúng ta đã thấy.

Ở các nước khi xảy ra những tình trạng tương tự, họ thường ứng xử như thế nào, thưa ông?

- Về mặt quản lý nhà nước, trong rất nhiều trường hợp họ không chấp nhận sự đặc quyền về nhập khẩu mà phải mở cửa cho nhiều công ty cạnh tranh với nhau. Tức là hàng rào gia nhập thị trường đối với nhiều mặt hàng như xăng dầu, gas, thức ăn chăn nuôi... sẽ thấp. Điều này khiến các công ty nhập khẩu hiện hữu phải chú ý tới tính hiệu quả, vì nếu không giá cao và lợi nhuận siêu ngạch sẽ hấp dẫn các công ty mới, và cạnh tranh sẽ trở nên quyết liệt hơn. Trong cả hai trường hợp giá đều bị đẩy xuống. Khi cơ chế trên không hiệu quả (chẳng hạn đối với độc quyền tự nhiên như truyền tải điện), lúc đó nhà nước mới đứng ra điều tiết thông qua các chính sách như định giá hay thuế...

* Theo ông, có phải do chúng ta thiếu một hành lang pháp lý nên mới để liên tiếp xảy ra những hiện tượng bất bình thường như vừa qua?

- Đúng là quyền lợi người tiêu dùng đã bị xem nhẹ dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng.

Luật cạnh tranh ở thời điểm này cũng đã tạo ra hành lang pháp lý để có thể can thiệp đối với những trường hợp tương tự, nhưng trên thực tế các cơ quan thực thi Luật cạnh tranh của VN chưa được trang bị đủ năng lực và vị thế để đưa Luật cạnh tranh vào cuộc sống. Một vấn đề nữa là liệu chúng ta có chấp nhận cho kiểm tra, giám sát các tập đoàn? Bởi nếu chấp nhận điều này cũng có nghĩa là phải minh bạch, công khai hóa tất cả hoạt động kinh doanh của tập đoàn. Chẳng hạn, khi nói đến giá xăng dầu, điện, gas... thì phải công khai hóa cơ cấu giá thành, khi đó cơ quan quản lý mới biết được là với giá bán như hiện nay doanh  nghiệp có thật sự chèn ép người tiêu dùng hay không.

* Chúng ta thường nói văn hóa kinh doanh là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, nhưng với những gì xảy ra trong thời gian vừa qua, ông nghĩ thế nào về trách nhiệm đối với cộng đồng của những doanh nghiệp trên?
- Tôi cho rằng văn hóa được hình thành trong những bối cảnh cụ thể, vì thế chúng ta không thể hô hào chung chung là doanh nghiệp nên có trách nhiệm với cộng đồng. Trên thực tế, trách nhiệm này thường đến từ những sức ép nhất định bên ngoài doanh nghiệp - có thể từ cạnh tranh, từ sự điều tiết của Nhà nước hay giám sát của hiệp hội hoặc từ văn hóa chung của quốc gia. Nói cách khác, ý thức trách nhiệm với cộng đồng không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi.

Ví dụ ở các nước có nền kinh tế phát triển, ý thức có trách nhiệm với cộng đồng ra đời từ sức ép cạnh tranh rất ghê gớm. Tức là nếu doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng cũng có nghĩa là tạo một hình ảnh tốt và thân thiện trước người tiêu dùng. Khi đó, người tiêu dùng mua sản phẩm của doanh nghiệp đó cũng cảm thấy dễ chịu hơn, và đó chính là cách làm marketing thượng thặng.

* Xin cảm ơn ông.

Gas chỉ giảm 10.000 đồng/bình

Từ 7g30 sáng nay 27-10, giá gas bán lẻ của Công ty Saigon Petro, Gia Đình Gas, Vina Gas còn 243.000 đồng/bình 12kg, giảm 10.000 đồng. Trước đó, một số công ty kinh doanh gas tư nhân khác đã giảm 4.000-5.000 đồng/bình. Đến chiều 26-10 đã có năm công ty quyết định giảm giá, trong khi đó nhiều công ty kinh doanh gas có thị phần lớn xác nhận sẽ thông báo việc giảm giá vào hôm nay với mức giảm ít nhất 10.000 đồng/bình. Cũng có một số công ty cho rằng sẽ giảm giá khi giá hợp đồng (CP) thế giới được chốt vào ngày 31-10. Mức giảm dự kiến là 50.000 đồng/bình vì giá CP dự báo sẽ giảm 280-300 USD/tấn.

Lý giải việc giảm giá ngày 27-10 trước khi có giá CP tháng mười một, đại diện các công ty này cho biết giảm sớm để cắt lỗ tháng sau, giải quyết hàng tồn kho, đồng thời để đối phó tình trạng gas giả, gas sang chiết lậu đang hoành hành thị trường. Các công ty kinh doanh gas cho biết sau đợt giảm giá này, đầu tháng mười một sẽ lại có một đợt giảm giá mới.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây