![]() |
Một kg thịt lợn ngày giáp Tết lên tới 70.000 đồng một kg, tăng 20.000 so với ngày thường. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo ông Xuân, đây không phải là hình thức bù giá hoặc trợ cấp. Cơ chế này được thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc Nhà nước đặt hàng doanh nghiệp sản xuất theo nhu cầu thị trường. Nhà nước cũng sẽ cấp vốn cho doanh nghiệp dự trữ hàng hóa cung ứng theo hướng bình ổn giá. Cơ chế áp dụng có chọn lọc cho một số doanh nghiệp chủ chốt của từng địa phương, trong từng thời điểm nhất định.
"Cơ chế khẩn cấp bình ổn giá" tuy vẫn nằm trong diện nghiên cứu, song nhiều chuyên gia kinh tế đã lo ngại về tính khả thi. Họ e rằng nếu không quản lý được dòng tiền, việc cấp vốn cho doanh nghiệp sẽ tiếp thêm lực để các tập đoàn lớn thâu tóm thị trường.
Trao đổi với VnExpress, một cán bộ Ban Vật giá thuộc Sở Tài Chính TP HCM cho rằng, cơ chế khẩn cấp có áp dụng cũng chỉ là giải pháp tạm thời. "Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào dòng chảy thị trường. Nên để cho nó tự cân bằng và vận động theo quy luật vốn có", viên chức này nhận định.
Để bình ổn giá cả thị trường tại TP HCM mùa kinh doanh Tết, UBND thành phố đã chi 400 tỷ đồng hỗ trợ 6 doanh nghiệp chủ lực trên địa bàn dự trữ nguồn hàng, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Song theo đánh giá của Ban Vật giá, giá cả tháng 2 (tháng nằm trọn trong cao điểm mua sắm trước và sau Tết) vẫn tăng rất cao.
Một quan chức của Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính cho hay "Cơ chế khẩn cấp" được Tổ điều hành thị trường trong nước đề cập từ rất lâu, nhưng chưa thấy có quy chế hoạt động cụ thể. Theo ông, để bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát đòi hỏi các biện pháp tổng thể, trong đó chính sách thuế là một công cụ đắc lực. "Không có cây đũa thần giải quyết vấn đề giá cả. Cần các biện pháp đồng bộ, từ sản xuất đến lưu thông", ông nói.
Ông lấy ví dụ, việc phân phối qua các khâu trung gian khiến chi phí phát sinh nhiều, góp phần đẩy giá cả tăng theo. Giá thịt lợn nuôi ở Nam Định tiêu thụ tại Hà Nội sẽ giảm rất nhiều nếu được chuyển thẳng mà không thông qua ba, bốn khâu trung gian.
Một chuyên gia kinh tế phân tích, khi nói về lạm phát, đầu tiên phải nghĩ tới chính sách tài chính tiền tệ, rồi sau mới can thiệp bằng các biện pháp hành chính vào thị trường. Nếu cứ nói giá cả là lại nghĩ đến từng thị trường riêng lẻ, hôm nay là chuyện sữa, thép, rau thịt, ngày mai là xăng dầu, gas, thực phẩm... tức là chưa có cái nhìn tổng thể về thị trường. Cách nghĩ này khiến việc xử lý giá cả bị dồn hết cho Tổ điều hành thị trường trong nước.
Viện trưởng Kinh tế TP HCM Trần Du Lịch chưa nghe gì về chủ trương áp dụng "Cơ chế khẩn cấp". Song ông không ủng hộ quan điểm Nhà nước đặt hàng doanh nghiệp để dự trữ hàng, bình ổn thị trường về lâu dài có thể kiềm chế lạm phát. "Điều này không khả thi", ông Lịch nhấn mạnh.