Cổ phiếu nhỏ tăng giá, VN-Index tiếp tục lình xình

 
 
VCBS cho rằng đây tạm thời chưa phải là thời điểm thực sự thích hợp để tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (28/10), VN-Index đầu phiên tăng điểm nhưng sau đó hai sàn giảm nhẹ. Thị trường ở thời điểm 9h45 khá ảm đạm, VIC, KDC giảm 500 đồng, DRC giảm 400 đồng, OGC giảm 300 đồng, khối ngoại tiếp tục mua vào OGC. 

Trong số các mã tăng giá, PVD tăng 500 đồng, GMD tăng 400 đồng, PVT tăng 300 đồng, các mã VSH, SSI, IJC, HPG tăng 100 đồng. 

Tại nhóm penny và midcap, dòng tiền đầu cơ liên tục luân chuyển sang các mã midcap thị giá 5000-6.000 đồng/cp. Sáng nay VNE, ITD, SMA, BSI, VNH, UDC và MTG tăng trần, trong đó VNE khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị, VHG tăng 700 đồng chỉ còn dư bán giá trần, cổ phiếu này trước đó đã tăng trần 3 phiên. 

TCM, VOS, TLH tăng nhẹ 100 đồng. Khối ngoại sáng nay mua vào 200.000 cổ phiếu ITA tuy nhiên mã này hiện đang đứng giá.

Tại sàn Hà Nội, KLF, PVA giảm sàn, PVX, VCG, KLS, DCS đứng giá, FIT giảm 1.500 đồng/cp. 

Theo báo cáo của VCBS, trong tuần qua, thị trường đã đón nhận nhiều thông tin tích cực từ phía nền kinh tế trong nước cũng như nước ngoài. Cụ thể: 

(1) Tổng cục thống kê công bố chỉ số CPI tháng 10 của cả nước chỉ tăng 0,49% (mom), 5,14% (ytd). Theo đó, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và đảm bảo sự ổn định. Chúng tôi dự báo CPI trong hai tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng qua từng tháng nhưng nhiều khả năng không có đột biến như giai đoạn nửa cuối Q3, tỷ lệ lạm phát của cả năm 2013 được kỳ vọng từ khoảng 7% trở xuống. 

(2) Theo báo cáo của bộ phận thống kê Asean (Asean Stats), Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 5 Asean xét về tổng sản phẩm quốc nội theo sức mua tương đương với tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định. Asean Stats nhận định, nền kinh tế Việt Nam, dù tăng trưởng chậm nhưng vẫn giữ ổn định trong những năm khó khăn gần đây trong khi ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Châu Á xuống thấp. 

VCBS nhận định, với các số liệu thống kê trên, nền kinh tế Việt Nam đã và đang được ghi nhận sự phục hồi cũng như tăng trưởng ổn định. Đây có thể xem như nền tảng vững chắc để Chính phủ triển khai các chính sách phát triển kinh tế xã hội tiếp theo. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng được hưởng lợi tăng điểm về trung và dài hạn do niềm tin của nhà đầu tư được củng cố cùng với sự hồi phục và mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, xét về ngắn hạn, thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh và tích lũy sau một quá trình tăng điểm để xây dựng mặt bằng giá mới. Thêm vào đó, 500 là ngưỡng tâm lý được kiểm nghiệm nhiều lần trong quá khứ và tạo tâm lý chốt lời cao khi thị trường vượt qua ngưỡng này. Do đó, VCBS cho rằng đây tạm thời chưa phải là thời điểm thực sự thích hợp để tăng tỷ trọng cổ phiếu mà nên duy trì trạng thái danh mục hiện tại.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây