![]() |
Minh họa: Choai |
Tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước tạo nên sự thay đổi lớn trong đời sống kinh tế cũng như đời sống của người lao động. Những cơ hội tăng trưởng đối với DN là điều rõ ràng, nhưng những cơ hội với người lao động lại cần đặt ra dấu hỏi lớn.
Thị trường "bung binh" và những bài toán khó
Trong hơn 9 năm phát triển của TTCKVN, chu kỳ tăng trưởng rực rỡ nhất và ổn định nhất là thời điểm 2006-2007. Các dòng vốn đầu tư quốc tế chú ý đến Việt Nam như một thị trường mới nổi đầy tiềm năng.
Tiến trình cổ phần hoá (CPH) khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đặc biệt chú ý, vì đây là cơ hội sở hữu khối tài sản lớn thông thường được định giá thấp trong một nền kinh tế đang phát triển. Mặt khác, đây là cơ hội và con đường nhanh nhất tiếp cận thị trường đầy tiềm năng với sức mua lớn nhờ cơ cấu dân số trẻ và đông.
Chính dòng vốn từ bên ngoài và các nguồn lực trong nước vốn "ngủ yên" khá lâu trong các thị trường tài sản khác như vàng, bất động sản được "đánh thức" đã tạo nên sự thăng hoa thần kỳ của TTCK.
Chỉ số VN-Index - hàn thử biểu của TTCK tính từ điểm khởi phát đầu năm 2006 - gắn liền với sự kiện VN tổ chức thành công Hội nghị APEC - chỉ sau hơn 1 năm đã tăng trưởng trên 260%. Hàng loạt định chế tài chính tầm cỡ quốc tế như Citigroup, HSBC, Morgan Stanley, Merri Lynch... không chỉ nhanh chân "đặt chỗ" trên chuyến tàu mang tên Việt Nam, mà còn ra sức tán dương cơ hội hấp dẫn tại thị trường mới được đánh giá là "ngoại biên" (frontier market) này.
Sự say mê của những cơ hội lợi nhuận đã tạo nên một phong trào đầu tư trên TTCK. Không chỉ thăng hoa trên thị trường niêm yết giao dịch tập trung, thị trường đấu giá phát hành cổ phiếu (CP) lần đầu cũng tạo nên những kỷ lục không biết khi nào mới lặp lại như phiên đấu giá cổ phần Cty Bảo hiểm dầu khí (PVI) ngày 30/12/2006: Nghẹt thở theo đúng nghĩa với số lượng đăng ký mua cổ phần, cao gấp 26 lần lượng bán ra. Hàng ngàn nhà đầu tư (NĐT) đã phải xếp hàng dài trước cửa TTGDCK Hà Nội để chờ đến lượt bỏ phiếu.
Trong cơn lốc chứng khoán (CK) đó, người lao động (NLĐ), đặc biệt là những người đang công tác tại các DN nằm trong diện sẽ CPH bỗng chốc trở nên quan trọng: Họ là tâm điểm của sự chú ý khi có cơ hội sở hữu khối tài sản mà NĐT bên ngoài phải tốn kém nhiều lần để có được. Trong các chính sách CPH, NLĐ là đối tượng được ưu tiên hàng đầu với ý nghĩa là những động lực tạo ra giá trị DN - giá trị mà NĐT bên ngoài sẵn sàng trả giá cao để mua.
Tuy nhiên, sự thăng trầm của thị trường đã tác động không nhỏ đến chính sách ưu đãi này. Các cơ sở pháp lý quy định việc CPH DNNN được điều chỉnh nhiều lần qua các thời kỳ như Nghị định 64/2002/NĐ-CP năm 2002, Nghị định 187/2004/NĐ-CP năm 2004 và hiện tại là Nghị định 109/2008/NĐ-CP năm 2008.
Đối với NLĐ, sự thay đổi đáng chú ý nhất, thiết thân nhất chính là những quyền lợi và ưu đãi được hưởng, trong đó tâm điểm là hai vấn đề: Ưu đãi về giá và khối lượng được mua. Sự thay đổi qua các văn bản nói trên phản ánh rất rõ "mối quan tâm" của các nhà làm luật trước sự thay đổi của thị trường: Nghị định 64 quy định NLĐ được bán tối đa 10 cổ phần cho mỗi năm làm việc, với giá giảm 30% so với mệnh giá (mệnh giá 100.000đ/cổ phần) và phải nắm giữ trong 3 năm.
Nghị định 187 có thay đổi căn bản khi quy định NLĐ được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm làm việc, với giá giảm 40% giá đấu bình quân bán cho NĐT khác và không cần phải nắm giữ trong 3 năm sau đó. Nghị định 109 kế thừa gần như toàn bộ quy định đối với NLĐ của Nghị định 187, liên quan đến quyền mua và ưu đãi giá. Tuy nhiên đến thời điểm này, nhiều quy định trong Nghị định 109 cũng đang đòi hỏi cần phải xem xét lại.
Giá của CP: Chìm nổi theo lòng tham và nỗi sợ hãi
Tuy nhiên, một vấn đề cần được đặt ra trong các quy định đối với NLĐ trong việc chuyển đổi sở hữu DN mà họ góp phần tạo ra giá trị là định hướng chia sẻ cơ hội lợi nhuận, hay đánh giá mức độ cống hiến của NLĐ đối với DN?
Thứ nhất, xét về quy định khối lượng được mua: Mỗi NLĐ có quyền mua 100 cổ phần cho mỗi năm công tác. Đây là một quy định tưởng như công bằng, nhưng thực chất là cào bằng. Tổng giám đốc được "định giá" ngang chị lao công - là bất cập mà ai cũng nhìn thấy.
Thứ hai, xét về giá ưu đãi. Giảm 40% giá đấu bình quân có vẻ như là một sự ưu ái đối với NLĐ, nhưng thực tế lại mặc cho NLĐ phải tự "đánh đu" với thị trường. Ngay khi Nghị định 109 ra đời, chúng tôi đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro vẫn treo lơ lửng trên đầu NLĐ. Cơ chế xác định giá bán cho NLĐ bị căn cứ vào yếu tố rất không ổn định là giá thị trường. TTCK bị điều hành bởi lòng tham và nỗi sợ hãi, cho nên có những lúc giá tăng gấp hàng chục lần mệnh giá thị trường, NĐT vẫn vui vẻ mua. Ngược lại, cũng CP đó, giá về gần sát mệnh giá mà NĐT vẫn nhìn với con mắt sợ hãi.
Cơ chế giá ưu đãi gắn với giá thị trường không khác gì một loại giá thả nổi, mà NLĐ bị biến thành NĐT gián tiếp một cách bất đắc dĩ. Những ai trải qua đợt đấu giá CP PVI năm 2006, 2007 hiểu hơn ai hết rủi ro này khi PVI đợt CPH đầu tiên (tháng 12/2006) có giá bình quân 160.000đ/CP, đợt đấu giá lần thứ hai chỉ còn 75.000đ/CP và đến thời điểm này, giao dịch trên sàn chỉ còn 25.000đ/CP. Nếu NLĐ được mua với giá "ưu đãi" - mang đầy tính đầu cơ thời điểm 2006 - thì hiện tại sẽ còn bao nhiêu?
Một góc độ khác của rủi ro về giá là ý chí chủ quan của chủ trương CPH. Vietcombank là một ví dụ. Các tư vấn định giá với Vietcombank cũng như những đánh giá của đối tác nước ngoài cho thấy một bức tranh rất khác về giá so với mức khởi điểm 100.000đ/cổ phần.
Hiện tại, thị trường đã trả lời một cách rõ ràng và thị trường luôn luôn đúng, bất kể ý muốn chủ quan như thế nào. NLĐ mua với giá ưu đãi trên dưới 60.000đ/CP Vietcombank cũng vẫn phải chịu rủi ro, dù mức độ ít hơn NĐT thông thường. Giá Vietcombank trên thị trường nhiều tháng nay vẫn không vượt quá mức 30.000-32.000đ/CP, tức là NLĐ đã lỗ trên dưới 50%. Thế mới có chuyện, "kiến trúc sư trưởng" của kế hoạch CPH Vietcombank vì phải điều động chuyển công tác nên không được mua cổ phần, khiến nhiều đồng nghiệp rơi nước mắt, nhưng nay cũng chính họ lại quay sang chúc mừng vì anh đã "rời bến" sớm.