Theo VAFI, trong 3 tháng trở lại đây, càng ngày tính thanh khoản của TTCK càng trở nên tồi tệ. Gần đây đa phần giao dịch của các loại cổ phiếu niêm yết gần như bị ngừng trệ mặc dù giá của đa phần cổ phiếu cổ phiếu niêm yết đã trở nên quá rẻ, đã thấp hơn giá trị thực, thậm chí dưới giá trị sổ sách.
Tính thanh khoản kém đối với cổ phiếu niêm yết đã làm cho giá cổ phiếu trên thị trường 0TC gần như đóng băng, giá của nhiều cổ phiếu đã về mệnh giá hoặc thấp hơn mệnh giá, thấp hơn nhiều so với giá đấu IPO khi thực hiện cổ phần hoá .
Một điều “ kỳ lạ” theo VAFI là giá cổ phiếu trên thị trường chính thức và phi chính thức đã giảm từ 70%- 90% so với thời kỳ cao nhất nhưng hoạt động của hầu như các doanh nghiệp vẫn bình thuờng, thậm chí đa phần tăng trưởng.
Trường hợp này VAFI so sánh TTCK Mỹ đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín dụng, đã làm cho nhiều tập đoàn tài chính kinh doanh thua lỗ, thế nhưng chỉ số chứng khoán chỉ giảm có 10%?
Chương trình cổ phần hoá của nhà nước gần như bị ngừng trệ làm ảnh hưởng đến việc thay đổi cơ chế quản lý tại các DNNN.
VAFI nhấn mạnh: Chính phủ cần có những chính sách cụ thể để gìn giữ, bảo vệ và phát triển các nhà đầu tư chứng khoán VN – vì đây chính là lực lượng nòng cốt của TTCKVN. (Trước đó VAFI cho rằng quan điểm “Chính phủ không nên tập trung quá cho việc “cứu chứng khoán “ vì TTCK hiện nay mới chỉ có hơn 300.000 nhà đầu tư, mà Chính phủ cần lo cho trên 80 triệu dân VN” là phiến diện.)
Theo VAFI, “Cứu chứng khoán “ không chỉ là “cứu nhà đầu tư “ mà cần nhìn xa hơn là chúng ta cần bảo vệ những thành quả xây dựng TTCK trong 7 năm qua để là công cụ đắc lực nhất cho việc phát triển kinh tế VN, từ đó có điều kiện để cải thiện đời sống của 80 triệu dân.