Vụ tố cáo gian lận tại Bệnh viện mắt Hà Nội đã diễn ra từ 2 năm trước, và giờ nó lại được báo chí liên tục nhắc tới khi BS Thủy đã trực tiếp tố cáo vụ việc với đoàn ĐBQH Hà Nội và cá nhân Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị. Đã từng lên tiếng về vấn đề này 1, 2 năm trước đây, bà đánh giá gì về mức độ nghiêm trọng của vụ việc này?
Tôi được biết tại buổi họp giao ban báo chí thành ủy Hà Nội vừa qua, Phó ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long đã trả lời báo chí về việc này. Kết quả thanh tra cho thấy, tố cáo tại Bệnh viện mắt Hà Nội có đúng, có sai.
Tôi cũng nói thêm rằng, tại buổi tiếp xúc cử tri đó, khi nhận được tố cáo của BS Thủy, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị đã nói, tới đây sẽ tiến hành kiểm tra chéo để làm rõ thực chất của của vụ việc như thế nào, đúng sai ra sao.
Cụ thể việc kiểm tra chéo cần thực hiện thế nào để có thể minh bạch hóa được toàn bộ sự việc, thưa bà?
“Trong cả 8 nội dung, đều có hiện tượng như đơn tố cáo. Nhưng về quy kết bản chất vụ việc thì hầu hết không chính xác, mà chỉ là theo suy luận của người đứng đơn” – Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long nói về vụ tố cáo tại Bệnh viện mắt Hà Nội
Ở góc độ chuyên môn, ngành y học cần vào cuộc xem người tố cáo phản ánh về việc “tráo thủy tinh thể”, sử dụng chung dịch nhầy như thế có được không, chất lượng của hai loại thủy tinh thể bị tráo có ảnh hưởng gì đến bệnh nhân không? Hay như việc nói giá cả 2 loại sản phẩm đó là tương đương thế nào cũng nên được làm rõ…
Trên cơ sở đó đoàn thanh tra phải có được kết luận chính xác về mặt khoa học. Xem mức độ sai phạm có nghiêm trọng hay không, mức độ nghiêm trọng đến đâu để đưa ra hướng xử lý cho đúng mức độ. Ngược lại nếu người tố cáo sai cũng phải chịu trách nhiệm. Điều quan trọng là phải đưa ra kết luận và hướng xử lý thuyết phục.
Để tạo ra sự thuyết phục cũng như việc thanh kiểm tra mang lại hiệu quả cao nhất, nhanh nhất, theo bà cần phải thực hiện theo hướng nào?
Lĩnh vực y tế liên quan trực tiếp đến con người nên phải được làm cẩn trọng. Tôi cho rằng, nên có sự đối thoại trực tiếp giữa người đi tố cáo với người bị tố cáo. Đồng thời phải có sự chứng kiến của cơ quan cấp trên như Sở Y tế, UBNDTP, HĐND TP…để lắng nghe, phân tích toàn bộ sự việc một cách thuyết phục cho cả người tố cáo và người bị tố cáo.
![]() |
ĐBQH Bùi Thị An |
Đã từng lên tiếng và trực tiếp lắng nghe tố cáo của BS Thủy về vụ việc này tại buổi tiếp xúc cử tri, chắc hẳn bà đã nắm khá rõ sự việc. Vậy bà có thể đưa ra lời khuyên gì cho cả người tố cáo và người bị tố cáo ở Bệnh viện mắt Hà Nội?
Trong quá trình làm việc, ai cũng có thể làm đúng, làm sai. Nếu sai thì ta nên nhận. Vô tình sai thì có thể xem xét, còn nếu cố tình sai thì sẽ rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó người tố cáo trong trường hợp này cũng cần phải hết sức bình tĩnh. Bởi đây là sự việc mang tính nội bộ nên hoàn toàn có thể giải quyết được.
Tuy nhiên, toàn bộ vụ việc tại Bệnh viện mắt Hà Nội cần sớm được giải quyết dứt điểm, đúng sai thế nào, xử lý ra sao cần phải được làm rõ trên cơ sở có được sự đồng thuận của cả hai bên.
Trong thời gian qua đã liên tiếp xảy ra các vụ việc tiêu cực trong ngành y Hà Nội. Hết ăn bớt vắc xin, “nhân bản” xét nghiệm, giờ lại đến đánh “tráo thủy tinh thể”. Bà đánh giá gì về thực trạng, cũng như vai trò quản lý của ngành y tế Hà Nội trong thời gian qua?
Phải nói rằng những tiêu cực trong ngành y đã xuất hiện từ vài năm trước, giờ nó mới mục ra.
Do vậy cần phải xem lại toàn bộ công tác quản lý trong nhiều năm ở lĩnh vực này. Thà chặn trước còn hơn để nó mục ra.
Nhưng cũng phải thừa nhận trong ngành y tế vẫn còn rất nhiều y, bác sĩ rất có tâm. Do vậy những tiêu cực liên quan đến ngành y cần phải được làm rõ đúng sai, lương thiện và bất lương để lấy lại lòng tin của nhân dân, của cử tri không chỉ ở Hà Nội, mà còn ở trên cả nước.
Tôi cũng phải nói thêm rằng, thái độ của lãnh đạo Hà Nội đối với những tiêu cực là kiên quyết xử lý. Việc xử lý các vụ tiêu cực về vắc xin, hay nhân “bản kết” quả ở Hoài Đức đều cho chúng ta thấy thái độ cương quyết trong xử lý của lãnh đạo Hà Nội.
Xin cảm ơn bà!