Đã đến thời điểm tích luỹ?

 

Vốn ngoại: Đủng đỉnh

Đã rất nhiều chu kỳ lên xuống của thị trường, sự dịch chuyển của dòng vốn ngoại thường được NĐTTN quan sát rất kỹ với tâm lý mong chờ một sự nâng đỡ nào đó. Trong những phiên sụt giảm, vốn ngoại giải ngân mạnh mẽ đã được không ít NĐT coi như một liều thuốc bổ để xốc lại tinh thần.

Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy NĐTNN gần như giải ngân trong mọi điều kiện thị trường và luôn mua vào nhiều hơn bán ra dù mức độ có thay đổi trong một vài phiên cá biệt. Đối với từng mã, sức mua của khối này cũng hiếm khi tác động đến giá như một yếu tố định hướng. Do đó, các giao dịch của NĐTNN hiện chỉ được coi như một yếu tố để xét tương quan cung cầu nhiều hơn là một chỉ báo giao dịch.

Trong tuần, giao dịch cuối cùng của tháng 11, NĐTNN đã có xu hướng giảm mua vào và tăng lượng bán ra dù tính chung 5 phiên, khối lượng và giá trị ròng vẫn đạt mức dương.

Đặc biệt trong phiên giao dịch cuối tuần (30.11), khối NĐT này đã tăng mạnh lượng bán ra gấp 2 lần mức trung bình của 3 phiên trước đó. Do khối lượng bán ra tăng đột biến nên giao dịch ròng đã giảm khoảng 12% về khối lượng, đạt 2,04 triệu CK và tăng 11% về giá trị, đạt 254 tỉ đồng. Nguyên nhân khiến giá trị gia tăng là hoạt động mua vào một số CP có thị giá cao.

Một điểm đáng chú ý là dòng vốn ngoại chảy tập trung vào DPM sau một tuần im hơi lặng tiếng: Tổng khối lượng mua ròng của NĐTNN với DPM lên tới xấp xỉ 1,12 triệu CP, chiếm 55% tổng khối lượng mua.

Trong nhóm 15 CP có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ  có SSI và VIC được mua vào đáng kể với khối lượng ròng tương ứng 405.940 và 331.020 CP. Những mã còn lại bị bán ra mạnh là VNM (263.270 CP), SJS (127.750 CP), PPC (124.380 CP), PVD (110.160 CP), FPT (75.460 CP)...

Một số giao dịch thỏa thuận nội khối đáng chú ý là FPT (471.588 CP), SSI (270.000 CP), DPM (118.580 CP). Nhìn chung các giao dịch mua mạnh của NĐTNN vẫn chỉ tập trung vào một số ít blue-chips. Khối lượng mua cũng có dấu hiệu giảm và hiện đang đạt mức thấp nhất trong 6 tuần giao dịch gần đây.

Blue-chips: Giá đang ở mức nào?

Nếu tính từ thời điểm 3.10 khi VN-Index đạt đỉnh cao nhất 1.106 điểm, thị trường đã trải qua tròn 2 tháng điều chỉnh với mức giảm trên 61,8%. Tuy nhiên, chỉ báo về luồng tiền ra vào thị trường đã cho tín hiệu tăng khá mạnh.

Đây là dấu hiệu tích cực trong thời điểm giá của hầu hết các CP đã có đợt suy giảm mạnh và bắt đầu hấp dẫn để mua vào, mức giảm thống kê được từ 2- 33% (sau khi điều chỉnh giá).

Riêng nhóm blue-chips có mức giảm từ  6,8-24,2%. Nếu so sánh với mức giá ngày 12.9, thời điểm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng, giá nhiều blue-chips đã có mức giảm sâu, thậm chí bằng hoặc dưới mức này.

Như vậy gần như toàn bộ thành quả của đợt tăng trưởng tháng 9 với những mã này đã trở về con số 0.

Một điểm đáng chú ý là không phải tất cả các blue-chips đều có kết quả tài chính kém cỏi mặc dù một số không đạt mức cao như kỳ vọng. Nhiều CP đã xác định được các ngưỡng hỗ trợ vững chắc.

Thông thường sau một chu kỳ giảm, thị trường sẽ chuyển sang trạng thái đi ngang hay tích lũy. Khối lượng giao dịch trung bình 5 phiên vừa qua cũng đã được cải thiện với mức tăng xấp xỉ 10%.

Mặc dù quy mô lệnh bán ra vẫn lớn hơn nhiều quy mô lệnh mua vào và giá không được cải thiện nhưng mức độ giảm giá đã yếu đi và không liên tục. Một số chỉ báo kỹ thuật với VN-Index cũng cho thấy tốc độ suy giảm đang yếu dần như đường trung bình 15 ngày dần chuyển sang trạng thái đi ngang, chỉ báo Momentum giữ vững xu hướng tăng.
 
Tuy nhiên, chỉ báo về sức mạnh tương đối RSI vẫn báo hiệu thị trường trong tình trạng bán quá nhiều và sức cầu yếu. Đây cũng là điểm hợp lý khi các nguồn vốn giải ngân có trọng điểm và chủ yếu đặt tại mức giá thấp trong khi NĐT cá nhân đa số cạn vốn khi phải chạy đua với thị trường và mua bình quân giá giảm hai tháng qua.

Theo số liệu của NHNN, mức vốn gián tiếp nước ngoài đổ vào thị trường trong năm 2007 ước tính khoảng 5 tỉ USD. Ngoài ra, nguồn kiều hối lớn cuối năm có thể bổ sung một lượng vốn tiềm năng khá dồi dào. Thị trường đang chờ đón nhận những nguồn tiền mới trong giai đoạn tích lũy cho một giai đoạn phục hồi.

Nhà đầu tư do dự

Theo nhận xét của một số NĐT, thị trường khó sôi động trở lại trong thời gian ngắn cũng như khó lặp lại đợt "nóng sốt" như hồi đầu năm. GĐ một Cty CK cho rằng điều đáng lo đối với thị trường hiện nay không phải là giá CP không tăng mà là khối lượng giao dịch hàng ngày sụt giảm mạnh.

Các NĐT dài hạn không dám mạnh tay mua vào. Những người đang nắm giữ không muốn bán ra giá lỗ. Những tay "lướt sóng" cũng đang lưỡng lự, chờ thời cơ.

Bên cạnh đó, một số thông tin vẫn tiếp tục tác động đến thị trường. TTCK Mỹ và Trung Quốc sụt giảm gây ra tâm lý e ngại đối với các NĐT.
 
Anh Nguyễn Kiệt, một nhà NĐT ngắn hạn, cho biết: "Nhóm chúng tôi đang "án binh bất động". Những thông tin thường xuyên xuất hiện trên báo chí về TTCK các nước sụt giảm, IPO Vietcombank, tỉ lệ trượt giá năm nay quá cao... đã tác động không ít đến tâm lý NĐT. Những diễn biến trong thời gian qua cho thấy thị trường trong tháng cuối năm sẽ khó mà sôi động". 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây