Đánh cược với... lỗ?

Trong bối cảnh đi xuống của thị trường chung, diễn biến đáng chú ý nhất trong mấy ngày qua lại là hoạt động giao dịch hết sức sôi động của một số CP trong diện kiểm soát do kết quả kinh doanh lỗ tại HoSE, mà tiêu biểu là REE và PPC.

 


Những CP này đang bị số đông NĐT tháo chạy không thương tiếc, lại được số khác hăm hở mua vào.

 

"Mềm" như... dự phòng

 

Ngày 12/2, sàn HoSE đã có cuộc khởi nghĩa bất thành mà ngòi nổ là REE. Cuộc khởi nghĩa bùng lên sau khi xuất hiện hành động mua gom mạnh bất ngờ CP này: Trên 578.000 đơn vị được giao dịch đợt mở cửa. Lượng chuyển nhượng này lớn gần gấp đôi quy mô giao dịch trung bình 50 phiên. Sau hai phiên liên tiếp giảm sàn với khối lượng bán áp đảo, lần đầu tiên REE được đỡ khỏi mức sàn bằng khối lượng cực lớn. Toàn bộ số CP bán tháo bằng các lệnh tự động (ATO) và giá sàn bị "hốt" gọn khiến không ít NĐT trên sàn ngạc nhiên.

 

Trong số các CP bị đưa vào diện kiểm soát do lợi nhuận 2008 phát sinh âm, REE được chú ý nhiều nhất vì ngay sau khi xuất hiện thông tin, làn sóng bán tháo đã bùng phát ồ ạt. Hai phiên đầu tuần, REE bị bán ra khoảng 2,7 triệu đơn vị trong khi mua vào chỉ có 227.000 đơn vị. REE một thời được coi là CP dẫn dắt và là DN có mức độ minh bạch cao. Việc REE báo cáo lỗ không có gì đáng ngạc nhiên nhưng với khối lượng giao dịch lớn một cách bất thường như vậy, rõ ràng đã có NĐT đánh cược với thông tin xấu đó và sẵn sàng đi ngược thị trường.

 

Điều này có thể xuất phát từ việc NĐT tìm kiếm cơ hội từ những biến động tâm lý sau khi có tin REE bị đưa vào diện kiểm soát. Thực tế nguyên nhân chung dẫn đến việc CP bị kiểm soát là kinh doanh lỗ nhưng nguyên nhân cụ thể dẫn đến con số lỗ đó lại khác nhau. Với REE, lỗ chủ yếu là từ dự phòng, cũng tương tự nhiều Cty khác, còn mảng hoạt động chính vẫn khả quan.

 

Một ví dụ khác là PPC - CP ngành điện vốn được xếp trong nhóm CP phòng vệ vì có hoạt động sản xuất ổn định. PPC lỗ quý IV khoảng 1.000 tỷ đồng và cả năm lỗ hơn 207 tỷ đồng do khoản trích lập dự phòng khoản vay bằng đồng yen. Như vậy quy mô của khoản trích lập này sẽ co dãn theo tỷ giá và nếu đồng yen giảm giá càng mạnh thì mức hoàn nhập dự phòng của PPC càng lớn.

 

Thực tế vừa qua đồng yen đã có thời điểm giảm giá khá mạnh và giao dịch PPC sôi động khác thường đối với một CP bị kiểm soát. NĐTNN là đối tượng giao dịch nhiệt tình, cả mua lẫn bán và kỷ lục về khối lượng đã được lập ngày 11/2 với 1,34 triệu CP, trong đó khối ngoại bán ròng khoảng 172.000 đơn vị. Có lẽ PPC sẽ trở thành một cuộc chơi tiền tệ đối với nhiều NĐTNN và những diễn biễn giá là phản ứng với biến động tỷ giá VND/JPY trong ngắn hạn.

 

Rủi ro thị trường

 

Mặc dù về lý thuyết, các khoản dự phòng sẽ được hoàn nhập nhưng đối với những người đầu cơ ngắn hạn, rủi ro cũng không hề nhỏ. Nguyên nhân là diễn biên giá của những CP đơn lẻ như vậy rất khó đi ngược lại xu hướng chung của thị trường. Hiện tại, thị trường vẫn đang dao động tăng giảm trong xu hướng đi xuống.

 

Đối với các CP có khoản dự phòng đầu tư CK lớn như REE hay PVF, xu hướng thị trường mới là điều quyết định. Do đợt phục hồi tháng 6-8/2008, không ít DN đã "tặc lưỡi" chấp nhận bỏ qua việc trích lập dự phòng với kỳ vọng thị trường cuối năm tiếp tục khởi sắc.

 

Nhóm CP của DN tài chính như SSI, REE, KLS, BVS... đã là đầu tàu dẫn dắt vì NĐT nhìn thấy cơ hội lấy lại khoản trích lập đưa vào lãi. Tuy nhiên, kịch bản của thị trường lại đi ngược tất cả các phán đoán và càng tồi tệ hơn khiến khoản trích lập tăng thêm. Những CP này lại là đầu tàu đưa thị trường giảm sâu hơn.

 

Một điểm đáng chú ý nữa là các khoản trích lập dự phòng được căn cứ tại một thời điểm nhất định. Do đó, NĐT cần nhận biết được xu hướng hơn là đầu cơ rất ngắn hạn theo sát những diễn biến hàng ngày. Diễn biến từ đầu tuần đến nay cho thấy tương quan sức mạnh giữa bên mua và bên bán mới quyết định diễn biến giá.

 

Ngày 12/2, mặc dù REE được mua mạnh đầu phiên nhưng càng về sau càng đuối sức và chấp nhận đóng cửa ở giá sàn. PPC trong những phiên được NĐTNN mua vào cực lớn thì áp lực bán của NĐTTN vẫn đè được giá giảm liên tục.

 

Theo các báo cáo phân tích cơ bản, tình hình kinh doanh đầu năm 2009 sẽ không mấy khả quan. TTCK khó có cơ hội tăng trưởng mạnh trước khi những tín hiệu vĩ mô trở nên rõ ràng hơn. Bên cạnh cơ hội hoàn nhập dự phòng, khả năng tăng trưởng của hoạt động kinh doanh cơ bản mới đảm bảo chắc chắn triển vọng của DN dù có được hoàn nhập dự phòng ở mức nào.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây