Tuy cân đối cung-cầu vốn tính chung toàn hệ thống vẫn tương đối bình thường, nhưng tình trạng thiếu tiền đồng trong vài thời điểm đến mức đẩy lãi suất trên thị trường tiền tệ lên mức quá cao đang khiến có sự lo ngại về khả năng thanh khoản của một số NH.
Rủi ro thanh khoản
Tình trạng thiếu tiền đồng rất cần sự phân tích, đánh giá kỹ hơn về khả năng quản lý vốn khả dụng, tính cân đối giữa nguồn và sử dụng vốn của các NH VN. Từ tình trạng thừa vốn khả dụng chuyển ngay sang tình trạng thiếu vốn khả dụng trong vài ngày, bề ngoài là một sự bất thường, nhưng bên trong có thể đã có nguyên nhân tiềm ẩn từ việc có một số NH chưa chú ý đúng mức đến quản lý rủi ro thanh khoản. Cơ cấu vốn huy động của các NHTM trong năm 2007 có điểm đáng chú ý là tính ổn định ngày càng giảm. Nguồn vốn huy động cả tiết kiệm và tiền gửi của các tổ chức chủ yếu là không kỳ hạn và ngắn hạn.
Trưởng phòng Nguồn vốn một chi nhánh NHTMNN nói: "Nhiều khoản tiền gửi, nhất là những khoản lớn chỉ để ở NH trong thời gian chờ cơ hội đầu tư sang các kênh khác". Trong một bối cảnh như vậy, một số NH đã khá mạo hiểm khi dùng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn và đầu tư tài chính, NHTMNN thì đổ vốn các dự án lớn, NHTMCP thì đầu tư vào CK, thị trường BĐS. Có NH thì đem cho vay trên thị trường tiền tệ liên NH với kỳ hạn lên đến hàng năm... Khi có biến động, các NH phải đối mặt với sự mất cân đối giữa thời hạn tiền gửi với thời hạn các khoản họ cho vay.
Sự mất cân đối này sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đến bảng cân đối tài chính của NH khi lãi suất tăng cao, nếu để tình trạng kéo dài NH có thể bị lỗ. Đó là chưa kể đến khả năng xấu hơn là lâm vào tình trạng mất khả năng thanh khoản.
Thiếu vốn khả dụng sau một thời gian dài dư thừa cũng biểu hiện hạn chế trong khả năng dự báo thị trường của một số NH. Một NHTMNN có tiếng là hay thiếu vốn vào cuối năm, nhưng cũng không lường được diễn biến của thị trường. Những tháng tháng đầu năm, NH này đã có chủ trương không huy động vốn trên thị trường tiền tệ liên NH.
Bên cạnh đó cũng không khuyến khích các chi nhánh tăng nhanh vốn huy động (bằng cách giảm thấp phí điều chuyển vốn về hội sở chính). Rút cục đến tháng 11, NH này đã phải vay vốn từ NH khác với lãi suất rất cao. Một số NH lại chủ quan cho rằng lúc nào cũng có thể vay được dễ dàng từ thị trường liên NH, mà không dự đoán tình huống thường về cuối năm các NHTM thường ngừng cho vay thị trường tiền tệ liên NH để đảm bảo khả năng thanh khoản của mình.
Thực tế cho thấy, trong những ngày qua, NH nào đã dự báo được diễn biến thị trường thì khá bình tĩnh. Một số NH có lượng vốn tạm thời nhàn rỗi hoặc đang khó khăn chưa mở rộng cho vay nền kinh tế được lại có thể kiếm lợi nhuận lớn từ việc cho vay các NH khác đang thiếu vốn.
Vẫn tiếp diễn cuộc đua lãi suất
Năm 2007, để kiềm chế lạm phát, NHNN có chủ trương kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý, rút bớt tiền từ lưu thông về. Những biện pháp đã được áp dụng là: Tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc, khống chế tỉ lệ cho vay CK ở mức dưới 3%, bán ra chứng từ có giá cho các NHTM, giữ nguyên tỉ giá hối đoái với USD trong biên độ
+/-0,5%...
Trong quý III, do đang dư thừa nên một số NH đã sử dụng một phần vốn để mua chứng từ có giá trên thị trường mở, nhưng thị trường này cho đến đầu tháng 11 chỉ có hành động NHNN bán mà không có hành động mua khi các NHTM cần tiền bán lại. Một diễn biến nữa là khi giá USD giảm mạnh, nhiều NHTM đã bỏ tiền đồng ra mua vào và định bán lại cho NHNN, nhưng NHNN đã hạn chế việc mua vào USD trong 6 tháng cuối năm, khiến nhiều NH đang ở trong tình trạng thừa USD thiếu VND. Đây cũng là một hạn chế về mặt dự báo vì không "giải mã" chính xác được tín hiệu chính sách tiền tệ phát đi từ NHNN.
Nhận định về tình hình lãi suất biến động trên thị trường tiền tệ liên NH vừa qua, một quan chức NHNN cho rằng lãi suất biến động nhanh do yếu tố tâm lý, chỉ diễn ra cục bộ và khẳng định mặt bằng lãi suất trên thị trường sẽ không biến động lớn, lãi suất về cơ bản sẽ ổn định. Tuy nhiên có thể dự đoán rằng trong thời gian tới, một số NH vẫn sẽ tăng lãi suất huy động VND, nhưng mức tăng không lớn vì còn nghe ngóng diễn biến thị trường và các tín hiệu về chính sách tín dụng của NHNN. Lãi suất cho vay khó có thể tăng vì NH phải giữ khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt.
Bên cạnh đó, NHNN cũng sẵn sàng những biện pháp để hỗ trợ tính thanh khoản cho thị trường khi cần thiết, mà những biện pháp đầu tiên đã được đưa ra như kết hợp giữa bán và mua tín phiếu từ ngày 6.11, qua đó hỗ trợ cho thị trường hơn 10.000 tỉ đồng.
Diễn biến cung-cầu vốn trong thời gian tới còn nhiều phức tạp vì chịu ảnh hưởng của chỉ số CPI, diễn biến luồng vốn FII, tỉ giá... Các NHTM cần nâng cao khả năng dự báo biến động của nền kinh tế (cả trong, ngoài nước), theo dõi chặt chẽ các tín hiệu phát đi từ NHNN để chủ động kế hoạch của mình. Quan điểm của NHNN đã bày tỏ rõ ràng chỉ là người cho vay cuối cùng trên thị trường và các NHTM phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình.