![]() |
Trước đây, nhiều ngân hàng gửi lượng ngoại tệ huy động dư thừa tại nước ngoài để hưởng lãi. |
Ngày 3/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất cho phần tiền gửi ngoại tệ vượt dự trữ bắt buộc từ 0,5%/năm xuống chỉ còn 0,1%/năm. Điều này có nghĩa ngân hàng nào tiếp tục gửi tiền ngoại tệ dư thừa của mình tại NHNN thì chỉ được hưởng lãi suất cực thấp 0,1%/năm. Nhiều ngân hàng thương mại đã "phản ứng" với quyết định này bằng cách rút bớt một lượng tiền gửi của mình tại NHNN về, nhưng ngược lại, đến thời điểm này nhiều ngân hàng vẫn án binh bất động theo kiểu "chấp nhận thôi" bởi rút về thì… chẳng biết làm gì.
Đối với hoạt động ngoại tệ, có hai hoạt động song hành đó là mua - bán ngoại tệ, huy động và cho vay. Cả hai thị trường này đều đang có những vấn đề của nó, không phải lần đầu xảy ra.
Huy động thì thừa
Theo số liệu báo cáo kết quả hoạt động 3 tháng đầu năm của hệ thống ngân hàng, huy động ngoại tệ ước tăng 3,6%, nhưng đầu tư bằng ngoại tệ lại ước giảm 2,24% so với cùng kỳ. Huy động nhiều hơn cho vay thì ngân hàng sẽ dư thừa tạm thời ngoại tệ, phần dư này phải đem gửi để lấy lãi bù đắp phần phải trả lãi cho người gửi tiền.
Trước đây, các ngân hàng trong nước thường đem gửi tại ngân hàng nước ngoài để hưởng lãi suất khi dư thừa. Nhưng vào cuối năm ngoái, khi mức độ an toàn hàng loạt ngân hàng lớn nước ngoài bị cảnh báo, hầu hết các ngân hàng chỉ duy trì một phần nhỏ tiền gửi bảo đảm thanh toán tại các ngân hàng nước ngoài, còn lại rút về gửi tại NHNN.
Trước động thái giảm lãi suất tiền gửi rất mạnh của NHNN, một số ngân hàng thương mại có số dư tiền gửi ngoại tệ lớn đã phải sử dụng biện pháp cũ là rút về gửi ra nước ngoài. Lãnh đạo một ngân hàng lớn cho biết, lãi suất tiền gửi tại nước ngoài cũng đang rất thấp, nhưng vẫn còn cao hơn so với mức 0,1%/năm gửi tại NHNN.
"Với vài trăm triệu USD đang gửi, thì lãi suất chênh lệch chỉ ở mức độ 0,1-0,2%/năm cũng là rất đáng kể đối với thu nhập, nên ngân hàng buộc phải tìm nơi gửi có lãi suất cao, tất nhiên phải tìm hiểu rất rõ về mức độ an toàn của ngân hàng mình gửi", vị lãnh đạo này cho biết.
Nhưng không phải ngân hàng nào cũng như vậy. ACB cho biết, ngân hàng này vẫn giữ nguyên lượng tiền gửi tại NHNN. Tương tự, Sacombank cũng không rút lượng tiền gửi vượt dự trữ của mình về.
Theo ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank, Ngân hàng chỉ rút bớt phần vốn ngoại tệ vượt dự trữ bắt buộc gửi tại NHNN khi có nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ của doanh nghiệp phát sinh.
Đây cũng là cách xử lý của hầu hết ngân hàng có lượng dư thừa ngoại tệ huy động không quá lớn. Do lãi suất được hưởng giảm mạnh nên biện pháp khắc phục là giảm lãi suất huy động ngoại tệ của mình đi. Hiện mức huy động ngoại tệ cao nhất chỉ còn 2,5%/năm kỳ hạn 12 tháng và nhiều khả năng sẽ còn giảm tiếp trong thời gian tới.
Theo ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, xu hướng giảm lãi suất huy động ngoại tệ sẽ còn tiếp tục khi nhu cầu vay vốn ngoại tệ chưa cải thiện. Tại ACB, tính đến hết tháng 3/2009, dư nợ tín dụng tăng 7,44% so với đầu năm. Nhưng trong đó, dư nợ tăng chủ yếu từ cho vay VND tăng đến 12,6%, còn dư nợ bằng ngoại tệ đang giảm dần.
Lý do doanh nghiệp ngại vay ngoại tệ thời điểm này không mới, đó là vay USD thì không được hưởng hỗ trợ lãi suất của Chính phủ và rất có khả năng bị rủi ro tỷ giá.
Ngoại tệ bán thì thiếu
Mặc dù thị trường mua - bán ngoại tệ và huy động - cho vay tỏ ra song hành, nhưng chúng lại liên quan tới nhau ở một điểm đó là người sở hữu ngoại tệ. Nếu doanh nghiệp và người dân có nguồn thu ngoại tệ không bán ra mà chỉ đem gửi thì đương nhiên nguồn bán cho ngân hàng sẽ thiếu và ngân hàng sẽ không đủ ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu mua của doanh nghiệp nhập khẩu. Đó chính là tình trạng hiện nay trên thị trường.
Phát biểu trong một cuộc đối thoại giữa ngân hàng và các doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM diễn ra mới đây, một cán bộ trong ngành tài chính cho biết, trong bối cảnh thị trường hiện nay khi lãi suất cơ bản đã giảm và ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu chưa chấm dứt thì nhiều người vẫn thích nắm giữa ngoại tệ. Còn nhà xuất khẩu vẫn chưa muốn bán ngay USD khi có nguồn thu và kỳ vọng tỷ giá tăng.
Tâm lý găm giữ ngoại tệ là câu chuyện có từ rất lâu, nó bùng lên khi có những biến động kinh tế hoặc tỷ giá. Việc vẫn còn tâm lý nắm giữ ngoại tệ hiện nay cũng không quá khó hiểu, đây là quyền của người sở hữu ngoại tệ, họ có thể bán hoặc có thể giữ.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, tính đến hết tháng 3/2009, tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức kinh tế và người dân tại các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM đạt đến 9 tỷ USD.
Nắm giữ là nguyên nhân quan trọng khiến huy động ngoại tệ của các ngân hàng tăng khá so với cùng kỳ và cũng là nguyên nhân trong thời gian vừa qua các ngân hàng luôn phải đẩy tỷ giá lên mức trần do thiếu nguồn ngoại tệ bán. Nhiều ngân hàng phải sử dụng công cụ phái sinh để "lách" giao dịch ngoại tệ vượt trần đáp ứng nhu cầu của khách hàng, vào tháng trước, NHNN đã phải có văn bản yêu cầu chấm dứt tình trạng này.
Những biến động trên thị trường ngoại tệ như thành quy luật từ lâu, dù biết nhưng các ngân hàng chỉ có thể tùy tình hình mà xoay sở, hay nói thẳng ra là đối phó ngắn hạn. Những biến động này sẽ khó chấm dứt khi người dân và doanh nghiệp vẫn có "quyền" nắm giữ ngoại tệ.