Đấu giá cổ phần: Biến đổi về chất hay xuống dốc?

Sau khi có kết quả đấu giá cổ phần VCB, thị trường chưa thấy có dấu hiệu khởi sắc như dự đoán.

Trong suốt tháng 12, NĐT dồn cả sự quan tâm vào mọi động thái của VCB mà quên đi các đợt đấu giá cổ phần khác. Liệu có phải thị trường sơ cấp này đã không còn hấp dẫn?

Hết thời hưng thịnh


Tất nhiên không dễ gì tìm lại thời điểm "vàng" như hồi đầu năm 2007, khi mà các đợt đấu giá cổ phần lần đầu đều đem lại thành công ngoài mong đợi với giá đấu thành công thấp nhất có DN gấp từ 15-20 lần mức giá khởi điểm. Càng về sau, khi sức nóng của thị trường đã nguội dần, cũng là lúc NĐT thờ ơ với thị trường sơ cấp.

Những đợt IPO lớn của các DNNN gây chú ý nhất trong năm 2007 là: Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt và VCB nếu so về quy mô, giá trị thương hiệu, mức độ quan tâm thì  cao hơn hẳn nhưng kết quả đấu giá không có sự đột biến so với mức giá khởi điểm.

Bản chất, thị trường sơ cấp có vai trò hết sức quan trọng, là nguồn cung cấp hàng và là điểm tựa về giá trị cho thị trường thứ cấp. Tất nhiên, DN chỉ có thể thu về thặng dư vốn từ thị trường nên đều mong muốn mức giá đấu đạt được là cao nhất có thể.

Tuy nhiên, bài toán sau CPH và niêm yết để có thể huy động vốn lâu dài từ cổ đông cũng khiến nhiều DN đau đầu, đặc biệt là các DN có mức vốn hoá lớn, có sức chi phối đến thị trường. Loại bỏ nguyên nhân do tâm lý thị trường vốn đề cập ở trên, các yếu tố gây nên sự ảm đạm này có thể kể ra như sau:

Thứ nhất, đó là hàng hoá trên thị trường gần như đã đạt mức bão hoà so với tiềm lực của NĐT cá nhân. Khi số lượng hàng hoá trên thị trường còn ít ỏi, có thể nhanh chóng "đếm mặt chỉ tên" thì mua bán trên thị trường OTC quả thực là "thiên đường" của các tay môi giới OTC, bởi nhu cầu giải ngân của NĐT cá nhân là rất lớn.

Nhưng hiện tại, với khoảng 250 DN niêm yết và rất nhiều bộ hồ sơ đang chờ niêm yết trong quý I/2008, biên độ dao động 5%, 10% được đã khá hấp dẫn để kiếm lợi trong giai đoạn hiện nay mà vẫn hạn chế rủi ro so với thị trường OTC, thì tham gia đấu giá để tìm hàng mới đã không còn là cách thức được NĐT ưa thích. Quay lại với sàn niêm yết không chỉ là mục tiêu của NĐT cá nhân mà còn cả các NĐT có tổ chức.

Thứ hai, NĐT nếu như không kẹt tiền thì cũng đang bị kẹt tâm lý trong giai đoạn đi ngang của thị trường đến suốt tận những ngày cuối năm. So với hàng hoá trên sàn mua ngày hôm sau sẽ rẻ hơn ngày hôm trước, thì nhiều CP đã rẻ tương đối mà lại có tính thanh khoản cao hơn nếu NĐT đổ tiền vào những DN tương đương về quy mô hoặc ngành nghề, cơ hội quay vòng vốn vì thế cũng cao hơn.

Thứ ba, kế hoạch tăng vốn hoặc IPO của các DN dồn cả vào những tháng cuối năm khiến NĐT không kịp chuẩn bị về thông tin, tâm lý và tiền để tham gia. Cộng với việc thị trường OTC chính thức có kế hoạch được khép vào khuôn khổ, khó cho các tay đầu cơ tạo sự sôi động ảo sau CPH.

IPO đã biến đổi về chất?

Nếu nói đấu giá cổ phần trong giai đoạn này thất bại sẽ là phiến diện bởi đây đang là giai đoạn quá độ để thị trường sơ cấp trưởng thành lên về chất. Chắc chắn sẽ khó có thể lặp lại "thời điểm vàng" như trước đó một lần nữa, bởi vì giá trị của DN không được đánh giá bằng các phương pháp định lượng mà chủ yếu do sức cầu quá nóng của thị trường quyết định.
 
Sau IPO VCB, mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, nhưng NĐT cũng nhận ra rằng, giá trị thực sự của DN phải dựa trên những đánh giá khách quan và nhiều chiều. Giá trúng VCB mặc dù không cao nhưng sẽ là tạo một tiền lệ tốt cho nhiều đợt đấu giá sau này.

Sở dĩ luồng vốn nước ngoài còn chậm giải ngân vào thị trường sơ cấp vốn là đích ngắm chính của họ là để chờ thời điểm thị trường này bước vào giai đoạn ổn định. Vậy, NĐT nên đặt cái nhìn tích cực hơn về chất cho thị trường đấu giá cổ phần và hy vọng vào sự tăng trưởng ổn định của thị trường trong năm 2008

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây