Những ai khi mới tham gia đầu tư chứng khoán mà gặp ngay một vài lần thành công sẽ kích thích họ theo đuổi những lần đầu tư tiếp theo, vì họ thấy rất đơn giản: mua, bán và được lợi nhuận. Không ít người quyết định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (trader), nhưng rồi thất bại. Nguyên nhân không phải chỉ do thị trường, mà còn phụ thuộc vào chính bản thân người mua - bán. Rất nhiều người thuộc lòng những chiến lược, bí quyết để kiếm tiền, nhưng vẫn thất bại, bởi họ không hiểu biết đầy đủ về tiền bạc, TTCK và bản thân để trở thành trader.
Hiểu biết về cá nhân
Thông thường, giới mua bán chứng khoán có hai phe. Phe có đào tạo bài bản về kinh tế thì đầu tư lâu dài. Tại vì trong thời gian dài thì cổ phiếu mới phản ánh được sự thành bại của công ty, nền kinh tế. Còn người không có kiến thức về kinh tế thì nghiêng về đầu cơ, mua bán trong thời gian ngắn. Tại vì trong thời gian ngắn, không ai suy đoán được điều gì!
Trong ngắn hạn, người có kiến thức về kinh tế cùng gặp khó khăn với người không biết. Những hiểu biết về kinh tế còn đưa họ vào vòng luẩn quẩn vì thị trường nhiều khi không ăn khớp với sự thành bại của công ty. Nhưng những người đầu cơ vẫn mua bán như thường, thậm chí họ còn mua bán vài lần trong ngày. Họ mua bán khi gặp cơ hội.
Cơ hội là gì?
Cơ hội là những dấu hiệu của thị trường báo cho trader biết rằng, những gì họ mua bán có dấu hiệu đi theo một hướng nhiều hơn hướng kia. Đầu tư theo xu hướng cho những người đầu cơ nhiều cơ hội thành công nhất trong thị trường, nó bảo rằng chúng ta nên mua khi thị trường và cổ phiếu đang lên và bán hoặc bán khống khi thị trường hay cổ phiếu đi xuống. Theo đó, chúng ta không mua những cổ phiếu giá từ 100đ rớt xuống 90đ, mà nên mua những cổ phiếu có giá 100đ tăng lên 110đ.
Người mới tập tành chứng khoán không biết, nếu có biết thì cũng không thể áp dụng trơn tru quy tắc này. Bởi họ không hiểu tại sao lại không mua cổ phiếu giá 100đ mà phải chờ mua khi nó lên đến 110đ. Và họ cũng không hiểu tại sao lại bán khống khi cổ phiếu từ 100đ rớt xuống 90đ. Vì thế, họ thường mua những cổ phiếu rớt giá, càng đi xuống thì họ càng giữ lâu. Và khi nó đi lên chút đỉnh thì họ lại bán ra.
Có nhiều cách giải thích những hiện tượng nghịch lý nhưng rất tự nhiên này. Dễ hiểu nhất là vì chúng ta áp dụng những thói quen của cuộc sống vào chứng khoán. Người mua bán chứng khoán non tay, cân đo đong đếm, suy đi xét lại sẽ mua những cổ phiếu đang xuống giá, cũng tự nhiên như trong siêu thị, chúng ta chú ý vào những món hàng hạ giá. Ngay khi thị trường đi lên, họ vẫn mua những cổ phiếu đang đi xuống hoặc đi lên chậm nhất, vì trong siêu thị, giữa những mặt hàng giống nhau, chúng ta sẽ lựa chọn món hàng nào rẻ nhất.
Những giai đoạn để thành trader
Với thời đại Internet, bất cứ ai cũng có đủ điều kiện để mua bán như một trader. Có điều, mua bán như những cao thủ là một chuyện, thành công như họ là chuyện khác. Theo tiết lộ của một số CTCK nước ngoài, chỉ chừng 2 - 4% khách hàng của họ thành công.
Những người muốn tìm trong chứng khoán một phương tiện để có tiền mau lẹ và dễ dàng nên suy nghĩ lại. Không phải vì vài ba buổi học, vài năm lăn lộn trong chứng khoán là thành cao thủ. Trước khi thành công, cần phải chấp nhận làm kẻ thất bại, nhiều khi rất lâu.
Tùy theo hoàn cảnh tài chính của mỗi người mà cách mua bán của họ sẽ khác nhau. Người nhiều vốn sẽ phải mua bán khác với người ít vốn. Những người ít vốn, lương bổng hẹp hòi là những người khó trở thành cao thủ nhất. Theo ý kiến riêng, sau đây là một vài điều kiện căn bản để người mua bán cá nhân ít vốn trở thành cao thủ:
Thứ nhất, phải có một công việc có lương bổng, nếu không thì phải có nguồn tài chính giúp cho chúng ta sống cuộc sống hàng ngày. Vì trong chứng khoán, ngay cả những cao thủ cũng không biết chừng nào sẽ có cơ hội, sẽ thắng bao nhiêu? Khi nào? Sự thành công là điều mà họ không thể kiểm soát được.
Có người vay mượn để mua bán chứng khoán. Họ bị rơi vào thế phải thành công trong một thời gian nhất định để trả nợ. Trong chứng khoán, thời gian không phải là tiền bạc. Thời gian là thời gian, tiền bạc là tiền bạc.
Những người bị nợ nần sẽ bị bắt buộc xem thời gian là tiền bạc, họ sẽ có thái độ mua bán quá mức, ngay cả những lúc thị trường không cho phép. Khi bạn trông chờ sự thành công trong chứng khoán để giúp bạn trả nợ nần, đạt những ước mơ tốn kém hay đơn giản là trang trải cuộc sống hàng ngày, những điều này sẽ trói buộc bạn, đưa bạn vào thế "một sống một còn" với chứng khoán. Bạn đã thất bại trước khi bước vào chứng khoán. Nhiều người muốn có sự cân bằng tài chính nhờ chứng khoán, nhưng họ không hiểu rằng, phải có cuộc sống cân bằng về tài chính mới có hy vọng thành công về chứng khoán.
Thứ hai, phải tích lũy được một số vốn cần thiết. Chúng ta không nên tốn công sức để thành công vì vài ba đồng bạc. Càng nhiều vốn càng tốt, vì trong chứng khoán, càng nhiếu vốn càng dễ mua bán. Khi chúng ta có 10đ mà muốn thắng 1đ mỗi tháng thì khó thành công hơn người có 100đ mà cũng có mục tiêu là 1đ.
Thứ ba, phải có phương pháp hạn chế lỗ và tuân thủ nó. Bạn không nên có những mục tiêu đại loại như ba năm sẽ có biệt thự, vì để đạt mục tiêu, bạn sẽ "sáng chế " ra nhiều phương pháp giao dịch mạo hiểm, mua bán vô hồi kỳ trận, không đúng với trình độ, vốn liếng. Ngược lại, muốn hạn chế sự mất mát thì bạn sẽ mua bán với số tiền rất ít hoặc không mua bán gì cả. Ví dụ: Bạn có 10đ, mỗi tháng dành dụm được 1đ để bù lỗ. Vậy "mục đích" của bạn là mất 1đ mỗi tháng. Nếu như thua 1đ thì bạn sẽ ngừng giao dịch đến đầu tháng sau. Nếu lỡ mất 2đ thì ngừng giao dịch đến hai tháng.
Người nào chú ý đến sự hao hụt vốn liếng sẽ không còn mơ ước viễn vông về chứng khoán. Sự suy nghĩ "ngược đời" làm chúng ta giao dịch rất ít, nhờ đó mà chúng ta có đủ thời gian để lựa chọn những cơ hội có khả năng thành công nhiều nhất.
Thứ tư, đúc kết một vài chiến lược hợp với bản thân.
Thứ năm, cần kiệm trong cuộc sống (người bạn đời cũng vậy).