DN cũng kiếm chênh lệch?
Trong lịch sử hoạt động NH ở VN chưa bao giờ có tình trạng lãi suất huy động tuần và tháng lại cao nhất trong các kỳ hạn như hiện nay. Tại Hà Nội lãi suất huy động từ 1 tuần đến 1 tháng cao nhất là 12,5%/năm, TP HCM có NH đã huy động đến mức 13,8%/năm.
NH quy mô nhỏ lãi suất cao hơn NH quy mô lớn. NHTM NN đua với NHTMCP. Một số đường phố chính của Hà Nội như đường phố Bà Triệu hai bên đường san sát, rờm rợp quảng cáo tăng lãi suất của các NH.
Tình hình cho thấy các NH đang vẫn rất khát vốn ngắn hạn. Một số NH đến thời điểm này vẫn đủ vốn cũng không đủ "kiên gan" để giữ nguyên lãi suất vì liên tục bị khách hàng gây áp lực.
Lãnh đạo nhiều NH thừa nhận là hiện nay số tiền thực sự nhàn rỗi từ xã hội vào NH thì ít mà chủ yếu là nguồn vốn chạy từ NH này sang NH khác. Từ những khách hàng có nguồn tiền gửi hàng chục tỉ đồng đến những người nghỉ hưu có vài chục triệu đồng cũng đôn đáo đi tìm NH có mức lãi suất cao nhất. Nhiều khách hàng ra điều kiện với NH phải tăng lãi suất nếu không sẽ rút tiền.
Tiền gửi pháp nhân cũng vậy, do cũng được điều chỉnh tăng với mức gần xấp xỉ tiền gửi tiết kiệm (khoảng 1%/năm) nên đã có hiện tượng DN đã vay được vốn NH lãi suất thấp 12%-13%/năm, nay chưa đến hạn tuy không cần đến vốn cũng giữ lại để gửi NH khác kiếm chênh lệch lãi suất (thay vì trả NH như trước đây).
Một số DN tạm thời không triển khai dự án, phương án SX-KD mang tiền gửi NH để lấy lãi suất cao. Không ai tính được những chi phí cơ hội đã bị bỏ qua khi một lượng vốn lớn đang chỉ chạy vòng quanh trong hệ thống NH mà không đưa vào nền kinh tế.
Mạnh ai nấy sống?
Tình hình thị trường tiền tệ sẽ không đến nỗi căng thẳng như hiện nay nếu các NHTM có sự hỗ trợ lẫn nhau để ứng phó với tình hình. Ban đầu thực chất chỉ có một số NHTMCP quy mô nhỏ, do đã dùng vốn huy động được và sử dụng cả vốn vay trên thị trường tiền tệ liên NH (TTLNH) cho vay ra quá mức, lâm vào tình trạng thiếu tiền khi NHNN yêu cầu tăng dự trữ bắt buộc và mua tín phiếu bắt buộc.
Cùng thời điểm, các NH khác cũng dừng cho vay. Động thái này được giải thích, một là để "phòng thân", hai là sợ NH đi vay mất khả năng thanh khoản không trả được nợ. Bên cạnh đó có một số NH, trong đó có cả các NHTM nhà nước lại nhân cơ hội này kiếm lợi qua việc cho vay các NH thiếu vốn với mức lãi suất rất cao, gấp 3 đến 4 lần mức lãi suất huy động bình quân từ dân cư và tổ chức.
Các NH thiếu vốn phải đi đàm phán thỏa thuận vay từng hợp đồng ngắn hạn với lãi suất ngày càng cao (kể cả vay để trả nợ). Có hợp đồng lãi suất vay đến trên 40%/năm. Lãi suất trên TTLNH quá cao đã khiến các NH tìm mọi cách huy động vốn tiết kiệm vì lãi suất huy động có cao đến gần 14%/năm thì so với lãi suất phải vay các NH khác vẫn là thấp.
Và rút cuộc vòng xoáy này đã kéo cả hệ thống NH vào tình cảnh như hiện nay. Một chuyên gia NH nhận xét: "Có dấu hiệu một số NH không hỗ trợ nhau mà còn nhân cơ hội này kinh doanh trên lưng nhau. Họ quên mất một điều là nếu NH yếu chết, NH mạnh cũng không sống nổi".
NHNN chưa "khéo"
Những biện pháp mà NHNN đưa ra vừa qua về mặt lý thuyết là đúng bài bản. Tuy nhiên, từ những dấu hiệu không bình thường về tài chính trong hệ thống NH và những xáo động trong nền kinh tế phải đặt ra câu hỏi: Liệu "vaccine" của NHNN có quá liều, có đúng lúc?
Về liều lượng thì có thể câu trả lời chỉ có sau nhiều tháng nữa. Nhưng về thời điểm và một số cách xử lý của NHNN thì đã có những phản hồi. Thông thường trước Tết Nguyên đán bao giờ cũng là lúc tiền mặt ra khỏi quỹ NH rất nhiều để chi, phải sau Tết một thời gian thì tiền mới quay về. Lúc này quỹ nhiều NH đang thiếu tiền, thế mà NHNN lại chọn đúng thời điểm này để yêu cầu tăng dự trữ bắt buộc.
Chỉ riêng QĐ này đã khiến các NH căng thẳng về tiền, rồi lại công bố tiếp quyết định mua tín phiếu bắt buộc. Tại sao NHNN không lùi thời điểm mua tín phiếu bắt buộc lại hoặc chia lộ trình mua 20.300 tỉ đồng thành 2 đợt?
Một số TGĐ NHTMCP còn cho rằng, việc NHNN để lãi suất đấu thầu phiên đầu tiên đưa tiền ra đến mức 30%/năm cũng là một tác nhân khiến lãi suất TTLNH tiếp tục tăng cao. Nhiều ý kiến trong giới NH cũng đang băn khoăn là những NH được chấp nhận mua tín phiếu và trái phiếu chủ yếu lại là các NHTMNN chưa thực sự căng thẳng về vốn.
Trong khi các NHTMCP quy mô nhỏ thực sự căng thẳng về VND lại không có hoặc đã hết tín phiếu, trái phiếu để bán cho NHNN lấy tiền về. Họ lại phải đi vay lại các NHTMNN. Vì vậy, việc sử dụng công cụ thị trường mở vừa qua chưa giải quyết được gốc của vấn đề.
Đang có sự lo ngại nếu trong thời gian ngắn nữa mà NHNN không kịp thời đưa ra các quyết định điều chỉnh hoặc can thiệp kịp thời thì tình hình tài chính của một số NH nhỏ sẽ tiếp tục rất căng thẳng, thậm chí dẫn đến những hiệu quả xấu cho cả hệ thống.
Một số NH ở Hà Nội và TPHCM đã đưa ra kiến nghị với NHNN. |