![]() |
"Nếu Chính phủ có một cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp cộng với sự nỗ lực hết mình của các doanh nghiệp thì mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD là hoàn toàn nằm trong tầm tay" - Ảnh : T.Nguyên. |
Nhưng thưa ông, sự liên kết của các doanh nghiệp dệt may trong nước thì lại đang được cho là rất yếu kém, thậm chí là chưa có?
Thực ra đến thời điểm này thì ngành dệt may của chúng ta cũng đã có sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau. Tuy nhiên, sức liên kết lại chưa được mạnh mẽ và chặt chẽ như mong muốn. Từ 2 năm trước, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã đưa ra ý tưởng thành lập các chuỗi lên kết trong ngành dệt may để từ đó có thể phân công thị trường, chống việc phá giá, xé lẻ khách hàng…
Với sự ra đời của Tập đoàn Dệt may thì ý tưởng đó đã từng bước được hình thành. Hiện Vinatex đang là tổ chức của hơn 100 doanh nghiệp liên kết với nhau để thực hiện những chiến lược lớn của ngành dệt may đã được Chính phủ chỉ đạo.
Tôi tin chắc rằng, một khi tình hình thị trường đã có nhiều thay đổi theo hướng bất lợi thì tất yếu các doanh nghiệp đều phải tự biết cần làm gì để không phải đứng một mình chống lại các cơn sóng gió.
Mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD: Thách thức lớn
Thưa ông, để giải quyết bài toán nguyên liệu cho ngành dệt may, Chính phủ đã có đề án phát triển cây bông, nhưng trên thực tế thì diện tích cây bông lại liên tục giảm trong thời gian qua. Đâu là nguyên nhân thưa ông ?
Có thể nói rằng, giữa cái chúng ta mong muốn và thực tiễn nhiều khi lại khác nhau. Chúng ta mong muốn trồng nhiều bông để có thể chủ động hơn về nguyên liệu cho ngành dệt may. Thế nhưng, trên thực tế thì việc trồng bông trong 2 năm qua đã gặp phải hạn hán nghiêm trọng, dẫn tới việc nông dân chán nản không muốn trồng bông.
Trong khi đó, giá của mặt hàng ngô lại tăng 250% trong 2 năm vừa rồi khiến hầu hết nông dân đều chuyển từ trồng bông sang trồng ngô. Để giải quyết vấn đề này, ngành dệt may đang dự kiến trình Chính phủ một chiến lược để phát triển cây bông một cách bài bản, quy mô, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nông dân.
Cụ thể, trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ có kiến nghị xin đất để lập những nông, trang trại trồng bông một cách ổn định. Nếu điều này trở thành hiện thực thì chắc chắn trong một tương lại không xa, bài toán về nguyên liệu cho ngành dệt may sẽ được giải quyết một cách đáng kể.
Trong năm 2008, giá nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may được dự báo là sẽ tiếp tục tăng cao. Vậy, ngành dệt may đã chuẩn bị như thế nào trước tình hình này và liệu mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD trong năm nay có thành hiện thực?
Đây là một thách thức rất lớn cho ngành dệt may của chúng ta. Riêng trong năm 2007, giá bông và xơ đã tăng 30 - 40%, trong khi giá cả đầu ra không tăng, thậm chí còn phải giảm do cạnh tranh. Trong năm 2008, chúng tôi cũng dự đoán là giá cả nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng cao do giá dầu thế giới đã vượt 100 USD/thùng.
Cho nên, để giải bài toán này thì ngành dệt may xác định chỉ còn một con đường, đó là tăng năng suất lao động và tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, tức là phải sản xuất ra nhiều những mặt hàng có tính năng khác biệt cao hơn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường để làm cơ sở cho việc tăng giá bán phù hợp với giá trị sử dụng.
Còn mục tiêu xuất khẩu 9,5 tỷ USD trong năm nay, theo tôi, nếu Chính phủ có một cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp cộng với sự nỗ lực hết mình của các doanh nghiệp thì mục tiêu này hoàn toàn nằm trong tầm tay.