Điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam

Đừng bao giờ vay thấu chi, hoặc đi vay ngắn hạn để mua sắm và tài trợ cho tài sản cố định.

Thống kê mới nhất của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp gỗ trên cả nước đang tồn kho 600.000 m3 gỗ nguyên liệu nhập và không thể đưa vào sản xuất, do không có hợp đồng xuất khẩu đồ gỗ mới. Kim ngạch xuất khẩu gỗ đến thị trường Mỹ và châu Âu, hai thị trường chính của Việt Nam, vẫn sụt giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ trong nước chỉ ký được hợp đồng xuất khẩu đến tháng 4 năm nay. Còn nhớ hồi cuối năm 2008, nhiều doanh nghiệp ngành thép cũng lao đao khi giá thép trên thị trường giảm mạnh, sức tiêu thụ chậm khiến lượng hàng tồn kho lên đến cả triệu tấn (có thời điểm trong năm 2008, lượng phôi thép tồn kho khoảng 550.000 tấn, thép thành phẩm tồn kho hơn 400.000 tấn).

 Câu chuyện hàng tồn kho không chỉ là bài toán nan giải của riêng ngành gỗ hay ngành thép, con số thống kê cuối năm 2008 cho thấy, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp chiếm trên 5% GDP, tương đương 4 - 5 tỷ USD, trong khi những năm trước, chỉ khoảng 2 - 3% GDP. Điều này có nghĩa là hàng hóa không bán được và sản xuất đi vào đình đốn, doanh nghiệp đang bị lậm vốn gấp đôi so với những năm trước.

Tại một hội thảo quản lý dòng tiền và chu kỳ tài chính diễn ra mới đây tại TP. HCM, ông Dương Hải, giảng viên Học viện Quản trị doanh nghiệp Pace cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam đang sử dụng đồng vốn chưa hiệu quả, để hàng tồn kho quá lớn, dẫn đến lậm vốn. Ngoài ra, một số SME có quan điểm trong kinh doanh là đi vay càng nhiều càng tốt và cho rằng như thế mới có hiệu quả, nhưng thực tế không hẳn như vậy.

"Đừng bao giờ vay thấu chi, hoặc đi vay ngắn hạn để mua sắm và tài trợ cho tài sản cố định. Mà tài sản cố định phải được tài trợ bằng nguồn vốn dài hạn và nguồn vốn trên có thể tiếp cận từ ngân hàng hay phát hành trái phiếu, và nguyên tắc này luôn đúng", các chuyên gia về quản lý dòng tiền cảnh báo.

Việc quản lý dòng tiền trong ngắn hạn, theo ông Dương Hải, đó là một trong những điểm yếu mà doanh nghiệp Việt Nam hay mắc phải. Doanh nghiệp thường hay nhập nhằng khi xuất hiện dấu hiệu bán hàng chậm lại, hàng tồn kho nhiều… Thậm chí, một số doanh nghiệp còn mắc phải tâm lý "ngày mai tươi đẹp hơn", do đó vẫn sản xuất với tốc độ như cũ, trong khi việc bán hàng chậm lại rất nhiều, khiến hàng tồn kho với số lượng lớn. Tâm lý này không chỉ xuất hiện ở doanh nghiệp sản xuất, mà trong năm qua khá nhiều doanh nghiệp đầu tư tài chính cũng thua quả đậm (kể cả những doanh nghiệp khá lớn) vì thiếu kinh nghiệm trong việc dự báo thị trường, nhất là thiếu quyết đoán để cắt lỗ trong khi TTCK xuống quá sâu. CTCP Cơ điện lạnh (REE) là một điển hình.

Ông Dương Hải cho rằng, một điểm yếu nữa mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam hay mắc phải là khi thấy khách hàng có dấu hiệu trả nợ không đúng hạn nhưng chỉ vì mối quan hệ mà vẫn tiếp tục giao hàng, do sợ nếu không bán chịu tiếp thì sẽ mất khách hàng. Điều này vô hình trung làm cho vấn đề đã xấu trở nên xấu thêm, làm cho khách hàng đang xấu ít trở nên xấu nhiều. Theo ông Dương Hải, doanh nghiệp nên mạnh dạn tìm kiếm khách hàng mới, thay vì tiếp tục làm ăn với khách hàng đang có vấn đề.

Cũng theo ông Dương Hải, để duy trì tốc độ hoạt động của doanh nghiệp thì nên dùng nguồn vốn nội bộ, còn để tăng trưởng về doanh thu thì dùng nguồn vốn bên ngoài. Bà Nguyễn Cảnh Tiên, thạc sỹ tài chính Trường đại học Queensland (Australia) cho rằng, rủi ro tài chính khi toàn bộ lợi nhuận doanh nghiệp làm ra hầu như phải trả nợ ngân hàng hay trả nợ các khoản vay. Chính vì vậy, câu hỏi cần đặt ra là doanh nghiệp có nên đi vay tiền hay tìm nguồn tiền từ phát hành cổ phiếu, huy động từ cổ đông, nhà đầu tư bên ngoài - biện pháp này dường như an toàn hơn cho doanh nghiệp.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây