Điều gì đang và sẽ xảy ra trên thị trường chứng khoán?

Cũng chính vì thế, mọi sự đánh giá, dự đoán về thị trường chứng khoán đều rất cần thiết. Vậy điều gì đang và sẽ xảy ra trên thị trường chứng khoán?

Trước hết, chỉ số giá chứng khoán trên hai sàn đang có những diễn biến bất ngờ ngoài dự đoán và khác với những năm trước. Chỉ số giá chứng khoán thường tăng cao, tăng liên tục (thậm chí còn được coi là "phi mã") vào cuối năm trước, đầu năm sau. Nhưng cuối năm 2007, đầu năm 2008 này, chỉ số giá chứng khoán đã giảm mạnh, giảm gần như liên tục (trừ một vài phiên đảo chiều). Chỉ số chứng khoán tại sàn TP Hồ Chí Minh (VN-Index) ngày 22.1.2008 chỉ còn 808,8 điểm, giảm tới 127 điểm hay giảm 13,6% so với cách đó một tháng; giảm tới 367 điểm hay giảm 31,2% so với đỉnh điểm vào ngày 12.3.2007. Chỉ số chứng khoán tại sàn Hà Nội (HaSTC-Index) ngày 22.1.2008 chỉ còn dưới 280 điểm, giảm tới 54 điểm hay giảm 16,2% so với cách đó một tháng; giảm tới 186 điểm hay giảm 40% so với đỉnh điểm 466 điểm trước đây. Đó là chưa nói, đối với một số mã chứng khoán, mức độ và tốc độ giảm còn nhiều hơn!

Thứ hai, chỉ số giá chứng khoán vẫn "đao xuống", bất chấp có nhiều thông tin tốt hỗ trợ thị trường, như việc sửa đổi Chỉ thị 03, Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ, giãn IPO các "đại gia", các doanh nghiệp niêm yết lùi việc phát hành bổ sung cổ phiếu...

Tuy nhiên, các thông tin trên chưa được thể chế bằng văn bản chính thức, nên giá chứng khoán chỉ tăng ngoạn mục có một ngày để rồi lại "đao xuống" và đến ngày 22.1 lại trở về mức đáy của ngày trước khi có thông tin tốt hỗ trợ (ngày thứ ba 15.1 mà một số nhà đầu tư đã gọi là ngày thứ ba đen tối). Trong khi đó, những thông tin ngược khác vẫn tiếp tục ám ảnh các nhà đầu tư.

"Ngược" nhất là các ông bạn "hàng xóm": bất động sản, vàng, giá tiêu dùng trước Tết nóng lên mạnh. Bất động sản ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội nóng cả ở khu đô thị mới, ngoại ô, trong các ngóc ngách,...; đã bắt đầu lan ra một số tỉnh ven đô, như Hà Tây, Bình Dương,... bất kể các thông tin về xác định mức diện tích, đánh thuế lũy tiến đối với diện tích vượt định mức, thuế thu nhập từ giao dịch bất động sản. Theo thống kê kinh nghiệm, trong năm 2001-2002 bất động sản nóng, thì chỉ số giá chứng khoán sụt giảm mạnh, gần như "rơi tự do" từ 572 điểm xuống 130 điểm; cuối quý I đến quý II/2007, và từ cuối năm 2007 đến nay, thị trường bất động sản, thị trường vàng nóng sốt, giá tiêu dùng tăng cao, thì chỉ số giá chứng khoán lại sụt giảm mạnh. Trong kinh tế thị trường, các thị trường này nối với nhau theo nguyên tắc "bình thông nhau" mà đã là "bình thông nhau" thì kênh nào nóng sẽ hút vốn từ kênh khác. Một lượng tiền không nhỏ từ thị trường chứng khoán sẽ được chuyển sang các thị trường bất động sản, vàng, giá tiêu dùng đang nóng sốt, đặc biệt là thị trường bất động sản.

Một yếu tố "ngược" nữa là cung trên thị trường chứng khoán tăng mạnh, bao gồm cả việc phát hành bổ sung cổ phiếu của các công ty niêm yết, việc lên sàn của nhiều công ty, việc IPO của các "đại gia"... cũng sẽ làm "loãng" thị trường. Cầu bị giảm, cung lại tăng cao thì giá giảm là vấn đề quy luật của giá.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán thế giới từ Á, sang Âu, sang Mỹ đang giảm mạnh, đã có những chuyên gia sử dụng đến từ ngữ "thị trường chứng khoán thế giới rơi vào khủng hoảng". Chỉ số MSCI của tất cả các thị trường chứng khoán thế giới phiên 21.1 giảm 1%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11.2006; chứng khoán châu Âu lập kỷ lục "phiên giảm giá lớn nhất kể từ vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 ở Mỹ".

Với tình hình như trên, có thể dự đoán, chỉ số giá chứng khoán sẽ không lặp lại như năm trước (phi mã từ 751 điểm lên 1.175 điểm), mà sẽ tiếp tục "đao xuống" trong thời gian giá bất động sản rơi vào cơn sốt lần thứ ba. Tuy nhiên, xen kẽ với những phiên giảm thì vẫn có phiên tăng nhẹ (theo hình răng cưa), nhưng là cái cưa để chúc xuống, có chuyên gia đã dự đoán sẽ trở về với cái mốc 751 điểm cuối năm 2006!

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây