Đình trệ sản xuất kinh doanh

Ông Doãn Hữu Tuệ, trưởng phòng chiến lược phát triển ngân hàng Nhà nước

Thời gian qua, vụ chúng tôi đã thu thập dữ liệu và bước đầu ghi nhận một số vấn đề liên quan đến tỷ giá thông qua phân tích tỷ giá hối đoái danh nghĩa và tỷ giá hối đoái thực.

Nghịch lý tỷ giá

Nếu lấy năm 2000 làm mốc thì đến nay tỷ giá VND/USD danh nghĩa tăng khoảng 13,7%, có nghĩa là VND giảm giá 13,7% so với USD. Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái trên thực tế lại giảm 93,9%, có nghĩa là VND tăng giá 6,1% so với USD. Lý do là, lạm phát của Việt Nam luôn tăng cao hơn tốc độ lạm phát của Mỹ từ năm 2004 đến nay mặc dù tỷ giá danh nghĩa tăng. Điều này cho thấy xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ là bất lợi. Chúng ta tăng về kim ngạch xuất khẩu nhưng lại giảm về lợi nhuận.

Chúng tôi so sánh một rổ tiền tệ gồm 19 loại đồng tiền kể cả USD thì thấy tỷ giá hối đoái danh nghĩa của VND lại tăng 2%, và tỷ giá thực hiệu quả tăng 11,9%. Điều này có nghĩa là VND đang mất giá 11,9% so với rổ tiền tệ. VND gắn chặt với USD, trong khi đồng tiền này lại mất giá mạnh so với các đồng tiền khác trong rổ hàng hoá mà chúng tôi tiến hành so sánh.

Từ năm 2002 đến nay, USD mất giá 16% so với đồng Thuỵ Sỹ, 25% so với đồng đô la Úc và trên 45% so với đồng euro. Về cơ bản, nếu tính theo rổ tiền tệ này thì tỷ giá hối đoái hiện nay lại đang lợi cho xuất khẩu hơn là nhập khẩu. Kết luận này có vẻ như ngược với kết quả thực tế hiện nay khi mà thâm hụt thương mại đang tăng lên. Điều này qua xem xét có thể lý giải bằng hai cách:

- Hoặc là xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu thanh toán bằng USD, trong đó rủi ro hối đoái hoàn toàn do các doanh nghiệp Việt Nam chịu nên độ co giãn tỷ giá nhập khẩu với giá hối đoái rất thấp, nhất là đối với nguyên liệu thô.

- Hoặc là nhu cầu nhập khẩu, đặc biệt đối với hàng tiêu dùng, tăng lên đáng kể khi hàng rào thuế quan đã gỡ bỏ.

Việt Nam dự kiến xuất khẩu đạt khoảng 58,6 tỉ USD (tăng 22%) trong năm 2008, tăng 10 tỉ so 2007. Đây là mục tiêu rất khó trong bối cảnh tỷ giá VND/USD và lãi suất huy động có chiều hướng bất lợi cho xuất khẩu.

Trong khi đó, nhập siêu quý 1 năm nay khoảng 7,5 tỉ bằng 57% kim ngạch xuất khẩu. Tình hình này tiếp tục tái diễn sẽ làm đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Vì vậy, khi lạm phát giảm thì các ngân hàng thương mại có thể giảm lãi suất và ngân hàng nhà (NHNN) nước xem xét nới lỏng tỷ giá ở mức có thể chấp nhận được để làm lợi cho xuất khẩu.

Việc giảm thâm hụt thương mại và tăng cường xuất khẩu không chỉ dựa vào chính sách tỷ giá cũng như chính sách lãi suất mà còn phụ thuộc vào các biện pháp như kiểm soát nhập khẩu, kiểm soát luồng vốn…

Giải pháp nào khả thi?

Thuế suất được xem là bộ lọc để lọc bớt nguồn vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam dưới dạng đầu cơ, giảm thiểu rủi ro với các nguồn vốn này rút vốn đột ngột, trong khi khuyến khích nguồn vốn dài hạn
 
Chính phủ cần giám sát chặt chẽ thâm hụt thương mại nhằm hạn chế kênh nhập khẩu hàng tiêu dùng đang có xu hướng tăng lên rất nhanh.

Cần đánh thuế đối với các khoản lợi tức vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài ngắn hạn dưới một năm. Thuế suất được xem là bộ lọc để lọc bớt nguồn vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam dưới dạng đầu cơ, giảm thiểu rủi ro với các nguồn vốn này rút vốn đột ngột, trong khi khuyến khích nguồn vốn dài hạn.

Phải tăng cường xem xét nhập khẩu tiểu ngạch. Thời gian qua, thị trường tràn ngập hàng trung quốc, gây nguy cơ cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là vấn đề phức tạp nhưng có thể giải quyết được bằng đánh thuế ở mức vừa phải.

Thực hiện chính sách tỷ giá kép. Chính sách này áp dụng cho các hợp đồng xuất nhập khẩu, khác tỷ giá áp dụng cho đầu tư gián tiếp. Tỷ giá để xuất nhập khẩu áp dụng theo hướng cao hơn để khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.

Với luồng vốn đầu tư gián tiếp, là hình thức đánh thuế trên chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu kho bạc của chính phủ Mỹ với lãi suất trái phiếu kho bạc của NHNN. Mô hình đã thành công ở một số nước Trong khi thâm hụt thương mại đang tăng như hiện nay, biên độ tỷ giá hối đoái cần được cân nhắc cẩn trọng, VND tăng giá quá mức sẽ hạn chế xuất khẩu và và kích thích nhập khẩu. Mặt khác, chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ làm lãi suất tăng; vì vậy khi VND tăng giá thì NHNN cần xem xét biên độ tỷ giá hối đoái và cho phép các NHTM mua bán tự do đồng ngoại tệ như đang thí điểm ở ngân hàng eximbank.

Tư Giang (lược ghi)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây