Doanh nghiệp “chê” vốn tín dụng ưu đãi Nhà nước

Đưa vốn tín dụng ưu đãi Nhà nước vào diện hỗ trợ lãi suất.

Một nghịch lý đang xảy ra: doanh nghiệp (DN) không muốn vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước vì lãi suất loại tín dụng này cao hơn lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM).

 Lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho biết, các nguồn vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước năm 2009 hiện giải ngân khá chậm. Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc giải ngân khối tín dụng ưu đãi lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng này chậm trong khi các giải pháp kích cầu đang được đẩy mạnh mà tiêu biểu là tình trạng lãi suất tín dụng ưu đãi Nhà nước cao hơn lãi suất các NHTM đang khiến cho các DN chần chừ, chưa muốn vay.

 Thực tế, quyết định của Bộ Tài chính về lãi suất ưu đãi hiện đang áp dụng là 6,9% cho VND và 5,4% cho USD. Tuy nhiên, lãi suất ưu đãi này lại không được hưởng hỗ trợ lãi suất. Trong khi đó, lãi suất của các ngân hàng thương mại hiện khi đã được hưởng hỗ trợ lãi suất chỉ còn 4 - 5%, thậm chí có nơi chỉ còn 1 -2 % nên các DN đang tập trung vay ở nguồn này và xuất hiện nghịch lý vốn ưu đãi nhà nước bị "chê" trong khi những năm trước đây DN rất muốn được vay.

 Theo Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thực tế các DN Việt Nam vẫn rất cần nguồn vốn này vì đây là vốn dài hạn và có nhiều ưu đãi nhưng cái vướng hiện nay là DN đang cố chờ xem có giảm lãi suất hay không.

 Vì thế, mới đây, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã đề xuất lên Bộ Tài chính và Thủ tướng đưa nguồn vốn này vào diện hỗ trợ lãi suất 4%. Nếu được chấp nhận thì lãi suất này đúng là lãi suất ưu đãi với mức lãi chỉ khoảng 2,9%/năm. Đây sẽ là điều kiện quyết định để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn hàng chục tỷ đồng này tham gia vào các giải pháp kích cầu của Chính phủ.

 Thậm chí, để giải ngân nhanh, tiền vốn sớm về với DN, Ngân hàng Phát triển đề xuất không cần đến thủ tục hỗ trợ lãi suất mà trừ thẳng lãi suất khi cho DN vay. Theo đó, DN vay vốn được hưởng trực tiếp lãi suất vay 2,9%.

 Sở dĩ có thể áp dụng hình thức này vì đây là nguồn vốn Nhà nước, lãi suất hỗ trợ cũng từ ngân sách nên có thể trừ thẳng vào lãi suất mà không cần các thủ tục trung gian hỗ trợ lãi suất, mất nhiều thời gian khi phải xét duyệt và khi thanh toán hỗ trợ...

 Thứ trưởng Bộ Kế hoach - Đầu tư Cao Viết Sinh sau khi nhận được phản ánh này đã cho biết, những đề xuất của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng như một số đề xuất khác về đối tượng và phương thức mở rộng đối tượng hưởng hỗ trợ lãi suất sẽ được trình Chính phủ và có thể xem xét, quyết định trong kỳ họp tháng 3 này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây