Doanh nghiệp còn chưa biết cách tiếp cận ngân hàng

TS Trần Du Lịch

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM về các vấn đề xoay quanh DNVVN.

-Ông nhận định thế nào về xu hướng phát triển của DNVNN trong tương lai?

- Trong một tương lai gần, DNVVN chứ không phải doanh nghiệp (DN) lớn sẽ là nòng cốt của nền kinh tế. Họ sẽ vươn lên và có những bước phát triển mạnh mẽ.

Theo tôi, đối tượng DN này hiện có 3 đặc điểm như sau. Thứ nhất là khả năng tài chính yếu, việc tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng chưa cao. Nguyên nhân là do năng lực quản lý kém, chưa chuẩn bị được các dự án khả thi, không được tín chấp. Khảo sát cho thấy, đa số các công ty vay được vốn chủ yếu là dựa vào tài sản thế chấp.

Thứ hai, các ngân hàng hiện nay chưa chú trọng đến đối tượng DNVVN, một phần là do họ chưa có hệ thống đánh giá đầy đủ, chính xác về đối tượng này. Đặc điểm thứ ba là thành phần kinh tế này luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các ban, ngành cũng như chính sách của Nhà nước.

Những nhược điểm nào về vấn đề tài chính mà ông cho là phổ biến trong khối DN này?

HSBC – Ngân hàng cho DN vừa và nhỏ

Ngày 29/9/2008, Ngân hàng HSBC Việt Nam đã giới thiệu sản phẩm trọn gói dành riêng cho khối DNVVN. Đây là nhóm khách hàng tiềm năng mà họ muốn tập trung phát triển trong thời gian tới.  Ông Huỳnh Bửu Quang, Giám đốc toàn quốc, Dịch vụ Tài chính Doanh nghiệp của HSBC tại Việt Nam, cho biết: “Tập đoàn HSBC gần đây đã triển khai chiến lược toàn cầu để trở thành ngân hàng tốt nhất cho các DNVVN. Việt Nam được chọn là một trong 30 thị trường trọng yếu mà tập đoàn muốn hướng đến trong những năm tới. Mục tiêu của HSBC là biến các tiềm năng kinh doanh của DNVVN thành hiện thực. Chúng tôi gọi đây là dịch vụ ngân hàng dễ tiếp cận, và chương trình này cho phép chúng tôi thực hiện điều đó. Các DN vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận các dịch vụ ngân hàng như các DN quy mô lớn.”

- Tài chính là yếu tố sống còn đối với cộng đồng DN nói chung và DNVVN nói riêng. Thế nhưng, các DNVVN thông thường đầu tư rất lớn về sản xuất, marketing, bán hàng,... mà lại lơ là vấn đề tài chính hoặc quy đổ toàn bộ trách nhiệm cho bộ phận kế toán.  Họ cần phải nhận thức đầy đủ và chính xác thế nào là cơ cấu nguồn vốn, sự lưu chuyển của dòng tiền, hiệu quả sử dụng dòng vốn,…

Đây là những yếu tố cơ bản và quan trọng của tài chính DN. Sự đánh giá không đúng đắn các vấn đề tài chính sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, DN làm ăn vẫn có lãi nhưng lại mất khả năng thanh toán. Và nguy cơ lớn nhất là có thể dẫn đến phá sản.

Theo tôi, các DN này thường mắc phải những sai lầm. Thứ nhất là vấn đề nhân sự chuyên môn, thiếu vị trí giám đốc tài chính hoặc lầm tưởng kế toán trưởng là giám đốc tài chính. Thứ hai là hệ thống kế toán thiếu minh bạch. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến đánh giá tài chính, quyết định kinh doanh cũng như chiến lược phát triển của công ty.

Vấn đề thứ ba của khối DN này quá phiêu lưu, mạo hiểm trong đầu tư. Vay nợ nhiều nhưng lại thiếu các giải pháp tài chính đúng đắn là một rủi ro lớn đối với DN. Chung quy tất cả những sai lầm trên đều xuất phát từ bộ máy lãnh đạo. Đa phần giám đốc điều hành, chủ DNVVN chưa được đào tạo bài bản, dẫn đến thiếu nhận thức đúng đắn về tài chính, từ đó đưa đến những vấn đề và sai lầm phát sinh.

Vậy ông có lời khuyên nào cho các DNVVN?

- Tôi có hai điều muốn nhắn gửi đến các DN đặc biệt là khối DNVVN. Thứ nhất, cần phải xem công tác quản trị tài chính là xương sống để phát triển. Bất kỳ công ty, dự án nào thì cũng cần đặt vấn đề tài chính lên hàng đầu. Thứ hai, DN cần tiến tới tiếp cận, sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Không chỉ khi cần nguồn vốn mới tìm đến với ngân hàng mà DN cần hợp tác với ngân hàng ngay từ giai đoạn ban đầu.

Sự phát triển của ngành ngân hàng trong thời gian gần đây đã mang lại nhiều tiện ích cho DN. Một DN không biết tận dụng các dịch vụ ngân hàng, tôi cho đó là một DN yếu. Bởi lẽ những dịch vụ của ngân hàng là một sự hỗ trợ rất lớn cho các DN. DN cần hiểu và sử dụng chúng để phục vụ tối đa cho hoạt động kinh doanh của mình.

Vậy theo ông, giữa các DNVVN và ngân hàng cần có mối quan hệ như thế nào?

- DN là nơi cung cấp đầu vào và đầu ra cho ngân hàng. Khi DN mở tài khoản, ngân hàng có thể sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi của DN. Ngoài ra, DN có nhu cầu sử dụng nhiều dịch vụ ngân hàng, do đó, đây chính là đầu ra cho ngân hàng. Ngược lại, ngân hàng không chỉ là nơi cung cấp tín dụng mà còn giúp đưa ra các giải pháp tài chính cho DN. Mối quan hệ giữa hai đối tượng này là hỗ tương, đồng thuận. Vì vậy, DN muốn phát triển lâu dài, bền vững thì không thể thiếu ngân hàng “ruột” của mình. Đây chính là người đỡ đầu, đối tác luôn song hành cùng DN. 

Ngày càng có nhiều ngân hàng quan tâm đến khối DNVVN. Gần đây tôi được biết ngân hàng HSBC vừa đưa ra gói sản phẩm dành riêng cho khách hàng DNVVN. Theo tôi, việc chú trọng cung cấp mảng dịch vụ cho DNVVN mà hiện nay nhiều ngân hàng đang còn bỏ ngỏ là một cách làm đúng đắn, đúng chiến lược. Tôi cho rằng HSBC đang đi đúng hướng bởi  DNVVN sẽ là nòng cốt cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Tôi luôn đánh giá cao vai trò của ngân hàng này vì sự nỗ lực của họ trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng tốt nhất nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng DN nói chung và DNVVN nói riêng.

- Xin cám ơn tiến sĩ!

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây