Một số doanh nghiệp tại TP HCM cho biết, đang mua USD tại ngân hàng với giá cao hơn niêm yết và phải đăng ký trước 3-4 ngày mới có. Một số nhà băng thừa nhận đang khan hiếm ngoại tệ cho dù thời điểm cuối năm lẽ ra nguồn cung dồi dào hơn.
Thị trường ngoại tệ tự do tuần này hạ nhiệt, giá thấp hơn hồi đầu tháng khoảng 200 đồng mỗi đôla và chỉ cao hơn mức niêm yết của ngân hàng khoảng 250 đồng. Tuy nhiên, giao dịch tại các nhà băng đang nóng lên.
Ông Hoàng Ích Tuấn, Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu quận Phú Nhuận, TP HCM, cho biết, mấy ngày qua đã phải mua USD tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) chi nhánh Gia Định với giá 17.215-17.217 đồng một đôla và phải đăng ký hơn 3 ngày.
![]() |
Nhiều ngân hàng không đủ nguồn cung USD. Ảnh: T.A |
Sáng nay, 19/12, giá USD Techcombank niêm yết bán ra cho khách hàng là 17.003 đồng một đôla. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết khách hàng phải đóng thêm phí giao dịch từ 214 đến 222 đồng cho mỗi đôla mua vào, tùy thời hạn thanh toán. Như vậy, giá mỗi USD Techcombank bán ra cho khách hàng đã lên đến 17.217-17.225 đồng. Trong khi đó, tại một số bàn thu đổi ngoại tệ khu vực chợ Bến Thành, có lúc giá USD được chào bán chỉ 17.200 đồng một đôla khi khách hàng có nhu cầu mua vào số lượng lớn.
Điều đáng nói là trước đây doanh nghiệp này cũng mua USD tại ngân hàng nhưng không phải trả phí giao dịch. "Quy định này chỉ mới áp dụng hồi đầu tháng, cùng với tình hình khan hiếm nguồn cung USD của ngân hàng", ông Tuấn cho hay. Còn hiện nay, nhiều khi đăng ký rồi nhưng 3-4 ngày sau nhà băng vẫn báo chưa có. Muốn mở L/C thanh toán cho đối tác nước ngoài, doanh nghiệp phải mua USD ngoài thị trường tự do nhờ ngân hàng mở L/C thanh toán, giải chấp hàng.
Theo ông Tuấn, mỗi tháng, nhu cầu thanh toán của công ty từ 100.000-150.000 USD, riêng khoản phí giao dịch này công ty đã thiệt hại gần 30 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều lô hàng thế chấp bằng USD đã đến ngày giải chấp nhưng ngân hàng không có nguồn ngoại tệ đã gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh và khiến doanh nghiệp mất uy tín với đối tác do không thanh toán đúng hẹn.
Trao đổi với VnExpress.net, Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Đức Vinh phủ nhận việc ngân hàng bán USD cho khách hàng với giá cao hơn niêm yết. "Ngân hàng luôn bán theo giá quy định của Ngân hàng Nhà nước công bố hằng ngày", ông Vinh nói. Song ông thừa nhận chuyện khan hiếm USD là có thật.
"Đặc biệt trong hơn một tháng trở lại đây, nguồn ngoại tệ thu mua được từ các doanh nghiệp xuất khẩu sụt giảm mạnh, đồng thời lượng USD từ các nguồn khác như thu mua trên thị trường tự do, ngoại tệ vãng lai quá ít ỏi, ngân hàng không thể đáp ứng được tất cả nhu cầu của khách hàng", ông Vinh giải thích.
Theo ông Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách phòng Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM việc thu thêm phí là do ngân hàng tự đặt ra. Từ đầu tháng 12 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định nào khác về quản lý tỷ giá USD. Ông Minh cũng cho biết sẽ tiến hành kiểm tra làm rõ sự việc này.
Trên thực tế tình hình khan hiếm USD diễn ra ở hầu hết các ngân hàng. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng cho biết nguồn cung USD của ngân hàng này giảm mạnh. "Trong tình hình hiện nay, ngân hàng có bao nhiêu bán bấy nhiêu, đồng thời ưu tiên đối với những khách hàng thân thiết, thường xuyên giao dịch", ông Toại cho biết.
Tình hình nguồn USD khan hiếm khiến những người đang có nhu cầu về ngoại tệ này đang gặp nhiều khó khăn. Ông Khanh (ngụ Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận) cho hay, cả tuần nay ông tìm đủ mọi cách mua "đô" cho người nhà đi du lịch mà không được mặc dù đã có vé máy bay, visa. Ông này cho biết đã dùng cách thỏa thuận với Ngân hàng Á Châu (ACB) để doanh nghiệp của bạn ông bán USD cho ACB, sau đó ông mua lại.
Tuy nhiên, sau khi mua của doanh nghiệp 4.400 USD với giá niêm yết ngân hàng là 16.985 đồng một đôla, ngân hàng ACB cũng không chịu bán lại cho ông Khanh số ngoại tệ theo như thỏa thuận ban đầu. Không còn cách nào khác, cuối cùng ông Khanh đã phải mua 20.000 USD trên thị trường tự do với giá 17.260 đồng một đôla.
Càng về cuối năm nhu cầu USD để thanh toán càng lớn. Các doanh nghiệp đang lo lắng không biết tình hình sẽ còn kéo dài đến khi nào và chờ đợi những can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước để khắc phục tình trạng này.
Tình trạng "2 giá" đôla ở ngân hàng từng xảy ra hồi cuối tháng 6 đầu tháng 7. Khi đó ngân hàng niêm yết ở mức dưới 17.000 đồng, song bán cho khách với giá trên 18.000, thậm chí có lúc chạm 19.000 đồng mỗi đôla. Khách muốn mua cũng phải đăng ký trước và chịu phụ phí. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp ra các văn bản yêu cầu ngân hàng thương mại bán đúng giá niêm yết và không được thu thêm phí dưới bất kỳ hình thức nào. Một số ngân hàng đã bị phạt vì cố thu lậu phí.