Đổi mới mang tới cơ hội

Đổi mới mang tới cơ hội

Đây là thời điểm tốt để đầu tư cải tiến sản phẩm và giải pháp sáng tạo vì có thể các đối thủ cạnh tranh của bạn không nắm lấy các cơ hội này trong môi trường kinh doanh hiện nay.

“Đổi mới” là cụm từ được nhắc đến nhiều trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Song đổi mới nên bắt đầu từ đâu, làm sao để hạn chế những rủi ro khi đổi mới…? ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Michael Thomas Szczepanski (ảnh), Giám đốc dịch vụ tư vấn Công ty PwC Việt Nam, về vấn đề này.

Ông từng nói đổi mới phải là một phần không tách rời của chiến lược phát triển. Vậy ông có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này và ý nghĩa của nó đối với DN Việt Nam?

-Ông MICHAEL THOMAS SZCZEPANSKI: - Trước hết, DN cần tìm sự cân bằng phù hợp giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, tức là cần duy trì một guồng máy đổi mới và cần có những sáng kiến/dự án có khung thời gian, ảnh hưởng và mức độ rủi ro khác nhau.

Điều quan trọng là phải có một phương pháp và quan điểm tổng hợp để tìm kiếm các sáng kiến đổi mới giúp tạo ra giá trị trong DN, nghĩa là đổi mới sản phẩm và công nghệ, đồng thời cần có được sự hiểu biết rõ ràng về khách hàng và thị trường mà DN đang hoặc muốn phục vụ.

Thí dụ về đổi mới mô hình kinh doanh, như trường hợp của Air Asia, cần áp dụng phương pháp đổi mới tổng thể, tạo ra giá trị qua việc các bộ phận khác nhau cùng phối hợp tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để phục vụ thị trường.

Tuy nhiên, nếu đổi mới không phải là một phần chiến lược của DN, đổi mới sẽ không được đầu tư, ban lãnh đạo sẽ không tập trung đổi mới và có thể không đo lường sự đổi mới. Đối với các DN Việt Nam, đây là một thách thức vì điều này có nghĩa là họ cần có tầm nhìn chiến lược xa hơn về DN mình và các cơ hội thị trường, đồng thời học cách đổi mới nhiều hơn.

- Việc đổi mới có thể kèm theo những rủi ro. Trong bối cảnh sức tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ chậm như hiện nay, DN rất e sợ rủi ro nên ngần ngại trong đổi mới. Ông có lời khuyên gì?

- Tôi nghĩ rằng các DN và phương tiện truyền thông Việt Nam hiện nay bị ám ảnh quá nhiều bởi tình hình kinh tế khó khăn. Kinh tế vẫn tăng trưởng và nếu nhìn vào một số phân khúc khách hàng và ngành hàng khác nhau vẫn có thể tìm thấy các nguồn tăng trưởng và lợi nhuận lớn.

Thực ra, đây là thời điểm tốt để đầu tư cải tiến sản phẩm và giải pháp sáng tạo vì có thể các đối thủ cạnh tranh của bạn không nắm lấy các cơ hội này trong môi trường kinh doanh hiện nay. Đối với các công ty mạnh về tài chính và có chiến lược tốt, một cuộc suy thoái thường là cơ hội để họ giành thêm thị phần và vị thế cạnh tranh trước khi nền kinh tế phục hồi.

Cần phải liên tục đặt ra mục tiêu và tham vọng, giám sát hiệu quả hoạt động, quyết tâm và có động lực làm việc cao để đổi mới hiệu quả.

Một vấn đề nữa là đổi mới thường bị hiểu sai là một khoản đầu tư và gánh nặng tài chính. Thực tế, tập trung đổi mới giúp giảm chi phí sản xuất sản phẩm, giảm chi phí ở các quy trình nghiệp vụ, tìm ra các phương pháp phục vụ khách hàng với chi phí thấp hơn…

Do đó, cần xem xét đổi mới ở cả góc độ doanh thu và chi phí, và tiến tới giảm rủi ro kinh doanh nói chung. Các công ty thực hiện thành công việc này thường tạo ra được nhiều giá trị mới thông qua đổi mới và vượt lên trên đối thủ trong cạnh tranh. Kết hợp giảm chi phí với tăng doanh thu thông qua đổi mới sẽ tạo ra sự khác biệt, một việc không dễ cho các đối thủ cạnh tranh bắt chước theo. Với những lý do này, tôi cho rằng việc đổi mới sẽ đem lại cơ hội tốt cho DN Việt Nam.

DN Việt Nam cần có tầm nhìn dài hạn hơn và không chỉ tập trung đổi mới trong việc tung ra các sản phẩm mới thuộc dạng “ăn theo”. Thay vào đó, nên kết hợp các năng lực sẵn có để tạo ra giá trị mới cho thị trường và khách hàng, có nghĩa là đổi mới ở một cấp độ cao hơn.

- Vậy để đổi mới phải bắt đầu như thế nào?

- Trước hết, cần có cách tiếp cận bài bản và tìm tòi để tạo ra môi trường hỗ trợ hoạt động đổi mới liên tục có hiệu quả. Việc lùi lại một bước và nhìn lại chiến lược tổng thể của DN luôn luôn hữu ích. Thảo luận về mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cho 3 năm tới, đồng thời xác định các yếu tố khác nhau để đạt được mục tiêu đó.

Các yếu tố này thường là tăng trưởng tự nhiên trong hoạt động kinh doanh hiện hữu, tung ra các sản phẩm mới, mở rộng thị trường, tìm phân khúc khách hàng mới, thậm chí cả những kế hoạch liên quan đến mua bán sáp nhập (M&A), giúp DN đạt được mục tiêu trên.

Tuy nhiên, ngay cả khi có được kế hoạch tổng thể, vẫn sẽ có khoảng cách về doanh thu và lợi nhuận đạt được so với mục tiêu đề ra. Đây là lúc hoạt động đổi mới phát huy vai trò của mình để trở thành một phần không tách rời trong chiến lược kinh doanh tổng thể của công ty và thu hẹp khoảng cách đó.

DN cần đưa ra những mục tiêu cụ thể cho những cấp độ đổi mới cần thiết. Trong một số trường hợp, khoảng cách này nhỏ thì cần tập trung vào các hình thức đổi mới tạo ra giá trị gia tăng, còn nếu khoảng cách lớn phải tập trung đổi mới triệt để.

Sau đó, cần đảm bảo có sự xuyên suốt chặt chẽ giữa mục tiêu, tham vọng với hoạt động của công ty và cách thức để thúc đẩy toàn công ty tập trung vào mục tiêu và tham vọng đó. Ban lãnh đạo cấp cao phải truyền đạt rõ ràng cho toàn thể nhân viên công ty về các tham vọng và mục tiêu của DN mình.

Tất cả các bộ phận chức năng đều phải tham gia và hiểu rõ vai trò, trách nhiệm đóng góp của họ. Việc tìm cách phục vụ khách hàng tốt hơn với chi phí thấp hơn cũng quan trọng không kém việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.

- Xin cảm ơn ông.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây