![]() |
Quyết định 126/2008/QĐ-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 26/12/2008 sửa đổi một số điều của Quyết định 27/2007/QĐ-BTC về quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK ra đời trong sự ngỡ ngàng của nhiều CTCK. Không ngỡ ngàng sao được khi Bộ Tài chính quyết định bỏ điều khoản về đại lý nhận lệnh (ĐLNL), đồng thời yêu cầu các ĐLNL trong vòng 1 năm kể từ ngày quyết định trên có hiệu lực phải đóng cửa. Nói cách khác, sẽ không cho phép tồn tại cái gọi là ĐLNL.
Trong thời gian vừa qua, nhiều CTCK thành lập ĐLNL, đặc biệt phải kể đến các công ty như ACBS, BSC, VietinbankSC… Nhìn chung, các ĐLNL đã mang về cho CTCK một lượng khách hàng, doanh thu không nhiều so với tổng doanh thu môi giới của từng công ty, nhưng vẫn có lãi, tuỳ vào từng địa điểm và cách thức hợp tác. Bên cạnh đó, ĐLNL cũng là tiền đề thuận lợi cho việc nâng cấp thành phòng giao dịch, chi nhánh nếu nơi đó hứa hẹn mang lại doanh thu tốt. Mặt khác, việc duy trì, phát triển ĐLNL cũng là cách để CTCK mở rộng phạm vi kinh doanh, duy trì sự hiện diện, phát triển thương hiệu.
Theo Quyết định 27, điều kiện thành lập ĐLNL khá dễ dàng, không phải xin phép UBCK, chỉ cần nhân viên có chứng chỉ cơ bản và chứng chỉ luật về chứng khoán, có địa điểm và trang thiết bị nhận và truyền lệnh. Do đó, trong thời gian qua, việc thành lập ĐLNL có chiều hướng bị một số CTCK "lạm dụng" triển khai. Có công ty mở ĐLNL tại quán café, Internet, hoặc đến từng cá nhân như dạng đại lý bán vé xổ số. Bên cạnh đó, một số CTCK ký hợp đồng khá lỏng lẻo với bên nhận làm đại lý, gần như khoán trắng cho đại lý, vì vậy đã dẫn đến CTCK không thể kiểm tra việc tuân thủ quy trình pháp luật của các ĐLNL, trong khi Luật Chứng khoán yêu cầu khá chặt chẽ về nhận và truyền lệnh để đảm bảo công bằng và minh bạch cho nhà đầu tư.
Vì vậy, có thể hiểu tại sao Bộ Tài chính lại "thẳng tay" như vậy, khi việc quản lý, giám sát của UBCK đến các ĐLNL gần như không thể thực hiện. Tuy nhiên, việc Bộ Tài chính yêu cầu đóng cửa ĐLNL là quy định "khá sốc" đối với nhiều CTCK, vì quy định này được ban hành mà không có sự tham gia, góp ý của bất kỳ CTCK hoặc Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán. Mặt khác, các CTCK cũng đặt ra câu hỏi về việc Bộ Tài chính có quyền cấm mở ĐLNL hay không? Xung quanh vấn đề này, có hai luồng quan điểm trái ngược nhau.
Quan điểm đồng tình với Bộ Tài chính có lý lẽ như sau: chứng khoán là ngành kinh doanh có điều kiện. CTCK muốn triển khai bất kỳ nghiệp vụ nào, dịch vụ nào cũng phải xin phép UBCK. Việc cho phép hay không cho phép nằm trong thẩm quyền của cơ quan quản lý chuyên ngành. Trong khi đó, việc triển khai ĐLNL vừa qua cho thấy sự phức tạp, rất khó quản lý đối với một số công ty ồ ạt tuyển các ĐLNL, từ đó có thể dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp của nhà đầu tư liên quan đến hoạt động môi giới.
Quan điểm không đồng ý thì cho rằng: theo Điều 7 và Điều 8, Luật Doanh nghiệp "doanh nghiệp có quyền tự chủ kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh, đầu tư, chủ động mở rộng quy mô và ngành, nghề kinh doanh"; và "đối với ngành, nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện thì doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành, nghề đó khi có đủ điều kiện theo quy định". Vì vậy, việc cấm CTCK nói riêng và doanh nghiệp nói chung triển khai ĐLNL là hạn chế quyền kinh doanh, hạn chế việc lựa chọn hình thức kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, Luật Chứng khoán có đề cập đến hoạt động của ĐLNL, có nghĩa là Luật Chứng khoán thừa nhận hình thức kinh doanh này "CTCK phải công bố thông tin tại trụ sở chính, các chi nhánh và ĐLNL về các thay đổi liên quan đến địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh và các ĐLNL" (Điều 104, Luật Chứng khoán). Như vậy, có thể hiểu, quyết định trên của Bộ Tài chính là không phù hợp với Luật Chứng khoán, văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Vì vậy, việc Bộ Tài chính muốn sửa đổi cũng cần đúng trình tự Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Công bằng mà nói, Bộ Tài chính cấm thành lập cũng có mặt tích cực, tránh sự lộn xộn, bung ra các ĐLNL nhưng CTCK lại không kiểm soát được hoặc thiếu trách nhiệm kiểm soát. Tuy nhiên, việc Bộ Tài chính đột ngột buộc CTCK đóng cửa ĐLNL đã đẩy khó khăn cho chính các CTCK, đặc biệt là công ty vừa mới khai trương hoặc đang đầu tư thành lập, dẫn đến chưa thu được đồng phí nào hoặc thu không đủ chi phí đã đầu tư. Lịch sử pháp lý cho thấy, những văn bản pháp luật được ban hành không phù hợp với thực tiễn khách quan và chỉ mang tính "quản", mà không có "lý" đã gây ra thiệt hại to lớn cho doanh nghiệp và gây lãng phí của cải xã hội.
Trong tình cảnh 80 - 90% CTCK thua lỗ thì việc "chặt chân, chặt tay" của CTCK là điều không nên làm. Hài hòa giữa trách nhiệm quản lý và quyền kinh doanh của doanh nghiệp là cần thiết, vì vậy UBCK nên tổ chức một buổi họp với các CTCK để tìm giải pháp tối ưu cho cả hai phía. Một phương án mà nhiều người nghĩ đến là nên tiếp tục cho tồn tại ĐLNL, nhưng nâng cao trách nhiệm của CTCK và xử phạt nghiêm minh những trường hợp cố ý thực hiện sai quy trình, pháp luật.