![]() |
REE đã hoàn tất việc bán ra 3 triệu CP Sacombank |
Các động thái bán ra, mua vào nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư của những nhà đầu tư (NĐT) tổ chức hiện đang là mối quan tâm của giới đầu tư.
Bán ra
CTCP Cơ điện lạnh REE (REE) vừa hoàn tất việc bán ra 3 triệu cổ phiếu (CP) Sacombank (STB). Sau giao dịch này, REE vẫn còn nắm giữ hơn 29,8 triệu CP STB. Mục đích được thông báo là để REE cơ cấu danh mục đầu tư. Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Prudential Việt Nam cũng thông báo thay đổi tỷ lệ nắm giữ của các công ty con tại CTCP Chế biến thực phẩm Kinh Đô miền Bắc (NKD). Cụ thể tính đến ngày 25/2/2009, Quỹ đầu tư cân bằng Prudential và Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudentilal Việt Nam đã bán ra hết, không còn giữ NKD và hai quỹ còn lại thuộc Prudential (PCA International Funds SPC, International Opportunities Funds) chỉ còn nắm giữ 5,79% tại NKD (các quỹ cùng công ty con này nắm giữ tỷ lệ 7,38% NKD vào thời điểm giữa năm 2008).
Quỹ đầu tư VOF (thuộc VinaCapital) cũng vừa hoàn tất việc bán ra 3,38 triệu CP của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), giảm số lượng đang nắm giữ còn 11,39 triệu CP. NĐT ngoại là Merrill Lynch International bán 18.030 CP của CTCP khách sạn Sài Gòn (SGH), hạ tỷ lệ nắm giữ CP này từ 10,61% xuống còn 9,59%. Tổng công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam cũng đăng ký bán ra 2,46 triệu chứng chỉ quỹ PRUBF1 và 485.435 chứng chỉ quỹ MAFPF1. Tuy nhiên, công ty này chưa bán ra được do giá không phù hợp với chiến lược của công ty. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương cũng đăng ký bán hết toàn bộ số lượng 331.100 CP của CTCP XNK lâm thủy sản Bến Tre (FBT)...
Việc các NĐT tổ chức bán ra trong thời điểm này đều nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư. Trong buổi gặp gỡ với NĐT tại TP.HCM gần đây, bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT REE - cho biết, sẽ cấu trúc lại danh mục đầu tư tài chính trong năm nay. Lộ trình chi tiết thanh lý danh mục đầu tư này sẽ được REE thông báo tại đại hội cổ đông sắp tới, thế nhưng khả năng sẽ bán ra khá nhiều CP ngành ngân hàng (đây cũng là ngành mà REE đang đầu tư nhiều nhất) để đầu tư vào các lĩnh vực như điện, bất động sản,...
Mua vào
CTCP May Sài Gòn 3 vừa công bố đã hoàn tất mua vào 11.000 CP của CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC), nâng tỷ lệ nắm giữ tại GMC từ 5,81% lên 6,04%. Quỹ tầm nhìn SSI cũng vừa mua xong 7.000 CP của CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC), nâng tỷ lệ nắm giữ lên 4,13%. CTCP Mai Lan đăng ký mua vào 300.000 CP của CTCP Giấy Viễn Đông (VID), tăng số lượng CP nắm giữ lên 443.000 CP (chiếm 2,07%). Tương tự, CTCP Kho vận giao nhận ngoại thương TP.HCM đã mua xong 40.570 CP CTCP hàng hải Sài Gòn (SHC), nâng số lượng CP sau khi giao dịch là 503.140 CP (chiếm 13,565%). Trong tháng 2 vừa qua, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cũng mua vào hơn 200.000 CP của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB), nâng số lượng nắm giữ lên 971.060 CP, chiếm 6,31%. Hay Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng và xi măng HB cũng vừa mua xong 810.000 CP của CTCP Bê tông 620 Châu Thới (BT6), chiếm tỷ lệ 7,36%...
Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty may Sài Gòn 3 - nhận định, đây là thời điểm tốt để mua CP đầu tư: “Giá nhiều loại CP đã giảm xuống dưới giá trị sổ sách nên mua vào mà không phải quá lo lắng. Thậm chí nếu giá CP có xuống nữa cũng sẽ không giảm quá sâu. Sài Gòn 3 cũng chỉ đầu tư một phần nhỏ vào CP nhưng phải lựa chọn các công ty mình có hiểu biết về hoạt động của nó”. Vào thời điểm cuối năm 2008 vừa qua, Sài Gòn 3 cũng mua vào 100.000 CP của CTCP bông Bạch Tuyết (BBT) và đã cử người tham gia HĐQT mới của BBT.
TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng, trường ĐH Mở TP.HCM - nhận định, thị trường hiện nay là cơ hội thuận lợi để các NĐT cơ cấu lại danh mục: “Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, thị trường giảm xuống là lúc bộc lộ rõ nhất DN nào đạt hiệu quả và DN nào không. Từ đó NĐT dễ dàng có đánh giá và phân tích để lựa chọn cho mình CP có tiềm năng nhất để mua vài cũng như bán ra CP không còn tiềm năng nữa. Đặc biệt giá các CP cũng đang ở mức thấp nên việc mua vào cũng dễ thực hiện”.
TS Thuận cũng cho rằng, NĐT cá nhân đừng hành động rập khuôn theo NĐT tổ chức trong việc mua hay bán CP. Những NĐT lớn có điều kiện và nhiều thông tin để phân tích, đánh giá hơn nên có thể quyết định của họ đưa ra chỉ phù hợp với chiến lược riêng của công ty cũng như tiềm lực tài chính của DN đó. Vì vậy các NĐT vẫn nên cẩn trọng hơn trong các giao dịch. Đặc biệt thị trường vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy đã chạm đáy cũng như chưa thể lạc quan về hoạt động của nhiều DN đang niêm yết.