Cụ thể, cơ quan này cho rằng, trong giai đoạn khó khăn khi tốc độ tăng thu giảm, bội chi NSNN đã cao hơn kế hoạch, dư nợ công tăng nhanh, nhiều khoản nợ của NSNN chưa được xử lý nhưng dự toán chi NSNN theo đề nghị của Chính phủ vẫn tăng 2,9% so với dự toán năm 2013 là chưa thể hiện rõ thông điệp phải triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hơn nữa cho phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay.
Về chi đầu tư phát triển: Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ. Trong điều kiện khó khăn, buộc phải giảm chi đầu tư phát triển còn 163.000 tỷ đồng, thấp hơn mức dự kiến bội chi (224.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, mức dự toán trên là thấp so với dự toán năm 2013 (175.000 tỷ đồng) và số ước thực hiện (201.555 tỷ đồng). Với việc giảm vốn đầu tư từ NSNN nêu trên sẽ gây tác động rất lớn, khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra, do đó, cần bố trí ít nhất bằng dự toán của năm 2013 là 175.000 tỷ đồng.
Về chi thường xuyên: Ủy ban TCNS đề nghị mức dự toán chi giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, sự nghiệp môi trường, phải bảo đảm bố trí theo các tỷ lệ tương ứng 20%, 2%, 1% trên tổng chi NSNN, lĩnh vực y tế phải cao hơn mức tăng chi NSNN như quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội;
Xây dựng dự toán chi thường xuyên cho các lĩnh vực an sinh xã hội bằng với mức dự toán năm 2013, không ban hành chính sách chi an sinh xã hội mới khi chưa thể cân đối được nguồn thực hiện; tiết kiệm chi tiêu, giảm tối đa chi hội nghị, khánh tiết, không bố trí mua xe công, hạn chế bố trí kinh phí chi đoàn ra…
Đồng thời, cần rà soát tinh giảm biên chế khu vực hành chính, sự nghiệp theo hướng không tăng biên chế (trừ biên chế thật cần thiết cho giáo dục, y tế), làm tăng gánh nặng cho NSNN, siết chặt kỷ luật tài chính trong quản lý chi tiêu.
Về chi chương trình mục tiêu quốc gia: Ủy ban TCNS nhất trí với phương án giảm chi của Chính phủ và đề nghị bảo đảm nguyên tắc phân bổ kinh phí tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, với yêu cầu giữ danh mục 16 chương trình MTQG nhưng thu gọn mục tiêu, giảm chi sự nghiệp.
Về chi dự phòng: Chính phủ xây dựng dự phòng năm 2014 dưới 2% tổng chi NSNN (19.200 tỷ đồng, bằng 1,9% tổng chi), thấp hơn mức tối thiểu theo quy định của Luật NSNN (2% -5%). Trong điều kiện khó khăn, Ủy ban TCNS nhất trí mức bố trí dự phòng này.
Tuy nhiên, trong quá trình điều hành ngân sách có thể xem xét bổ sung dự phòng để tăng tiềm lực tài chính khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.
Về bội chi NSNN năm 2014
Chính phủ đề nghị năm 2014 bội chi ở mức 5,3% GDP (tương ứng 224.000 tỷ đồng). Ủy ban TCNS cho rằng, tỷ lệ bội chi này mặc dù chưa phù hợp với lộ trình giảm dần bội chi đã được Quốc hội quyết định, song trong bối cảnh khai thác nguồn thu gặp nhiều khó khăn, nhu cầu chi vẫn ở mức cao; chi đầu tư phát triển năm 2014 đã phải bố trí giảm so với dự toán năm 2013 thì năm 2014 chưa thể giảm mức bội chi ngân sách theo lộ trình.
Để bảo đảm cân đối, bố trí vốn NSNN đáp ứng các nhiệm vụ chi, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị Quốc hội cho phép bội chi NSNN năm 2014 là 5,3%GDP và không chỉ dành cho chi đầu tư phát triển như quy định của Luật NSNN mà cần dành một phần chi trả nợ.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị xem xét nâng mức bội chi cao hơn mức Chính phủ trình để bảo đảm bố trí đủ nguồn trả các khoản nợ của các năm trước và phản ánh đủ khoản đảo nợ.