![]() |
Tuy tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực cho vay bất động sản của các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội chỉ chiếm 0,9% tổng dư nợ cho vay bất động sản, nhưng tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu có khả năng tăng |
Số liệu này được trích từ báo cáo của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Nội cuối tuần qua. Báo cáo cho biết, mức dư nợ trên đã tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và chiếm 10% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn là trên 246.000 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn là 5.961 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24%; dư nợ trung và dài hạn là 18.878 tỷ đồng, chiếm 76% tổng dư nợ cho vay bất động sản.
Dư nợ cho vay có tài sản bảo đảm là 23.374 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 94%; dư nợ cho vay không có tài sản bảo đảm là 1.465 tỷ đồng, chiếm 6% tổng dư nợ cho vay bất động sản.
Tuy tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực cho vay bất động sản của các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội chỉ chiếm 0,9% tổng dư nợ cho vay bất động sản, nhưng tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu có khả năng tăng vào thời điểm cuối năm.
Lý do được Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Nội đưa ra là thị trường bất động sản trong nước vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện và sự trậm trễ trong thanh quyết toán công trình nên các ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong thu nợ và đối phó với nợ xấu tăng cao.
Mặt khác, mặc dù đa số các khoản dư nợ cho vay bất động sản đều có tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản, nhưng ngân hàng cũng khó phát mại được tài sản khi tính thanh khoản của thị trường bất động sản hiện tại khá thấp.
Theo ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Nội, nếu thời gian tới thị trường bất động sản không tăng tính thanh khoản, các khoản vay bất động sản sẽ mang đến nhiều thách thức cho hệ thống tài chính của Việt Nam.
Thêm nữa, ông Kỳ cũng dự báo, nếu ngân hàng quá thận trọng mà thắt chặt cho vay với các dự án bất động sản nói chung, cũng sẽ khiến cho tính thanh khoản của thị trường thấp và có thể gây rủi ro trở lại cho chính hệ thống ngân hàng.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Nội cũng cho biết, hiện các doanh nghiệp đầu tư bất động sản đang mong muốn các ngân hàng nên tái cấu trúc lại khoản nợ để họ có thể vay thêm, hoàn thiện công trình, dự án đúng quy hoạch. Vì thực tế, có những dự án đã hoàn thành 80-90% nhưng không triển khai tiếp hoặc không bán được vì thiếu vốn.