“Gắn bó” ngược!

DĐDN có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đại Lai - Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển Ngân hàng xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, sau cuộc đua lãi suất hồi đầu năm của các NHTM được coi là hiện tượng "bất bình thường" của thị trường tiền tệ Việt Nam, thì việc USD trong vòng 1 tuần cuối tháng 3 và tuần đầu tháng 4/2008 đã tăng giá đột ngột trở lại sau gần 3 tháng đầu năm 2008 giá trị liên tục sụt giảm đến mức kỷ lục lại được coi là một dấu hiệu bất ổn tiếp theo. Ông có thể lý giải hiện tượng này?

Thứ nhất, do NHNN đã sẵn sàng mua vào USD cho các NHTM có nhu cầu chính đáng. Thứ hai, nhập siêu 3 tháng đầu năm 2008 đã lên tới trên 7,3 tỷ USD, cao kỷ lục từ trước đến nay. Thứ ba, không ngoại trừ hiện tượng mua vào khá nhiều của các NH nước ngoài để chuyển đổi tiền tệ, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài chuyển vốn và lợi nhuận về nước theo chu kỳ của năm tài chính của nhiều nước kết thúc vào sau quý 1 hàng năm. Ngoài ra còn một lý do gián tiếp khác là nhờ tín hiệu phát ra từ nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ có thể giảm tốc độ suy thoái sau nhiều nỗ lực "kích cầu" của FED.

Tuy là tín hiệu mà các nhà xuất khẩu chờ đợi, nhưng việc USD lên giá đột ngột nghĩa là nội tệ tiếp tục đột ngột mất giá, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyết tâm chống lạm phát hiện nay. Vì vậy cần có sự nhìn nhận rất thận trọng về tín hiệu "lưỡng tính" này. Cần đối xử với USD như đối xử với một loại hàng hoá nhập khẩu hơn là đối xử như một đồng minh tiền tệ lẫn lộn các chức năng với nội tệ trên thị trường tài chính trong nước

TTCK vẫn chưa thể hiện "sứ mệnh" là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả hơn cho nền kinh tế thay cho vai trò lâu nay các NHTM vẫn phải đảm nhiệm. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

TTCK tuy đang lên điểm liên tiếp trong tuần đầu tháng 4/2008 sau một thời gian dài ảm đạm, nhưng là sự lên do những tác động hành chính chỉ có ý nghĩa tình thế và trên thực tế, tổng giá trị giao dịch đã giảm kỷ lục. Nếu trước khi thực hiện cơ chế khép biên độ giá cả chứng khoán từ +5%/ngày xuống +1%/ngày, bình quân tổng giá trị giao dịch hàng ngày trên HoSE là khoảng 1.200 tỷ đồng, từ khi khép biên độ giá giao dịch xuống còn +1%/ngày thì con số trên chỉ còn xung quanh 100 tỷ đồng. Còn sau đợt điều chỉnh biên độ gần đây nhất, bình quân tổng giá trị giao dịch hàng ngày cũng chỉ đạt hơn 3-4 lần. Về bản chất của các hiện tượng nêu trên, đối với TTCK Việt Nam, tôi nhận thấy rằng lâu nay không chỉ các nhà đầu tư, mà cả các nhà quản lý đã quá quan tâm đến việc lên xuống của chỉ số, nghĩa là quá quan tâm đến thị trường thứ cấp, nơi đang bao gồm những hàng hoá cũ do phát hành một cách chộp giật, chất lượng thấp chiếm tỷ lệ áp đảo... Mà các bên (nhà đầu tư và đặc biệt là nhà quản lý) đã rất coi nhẹ 2 vấn đề cơ bản nhất của TTCK: Một là mục tiêu của TTCK ra đời là để làm một kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả hơn cho nền kinh tế thay cho vai trò lâu nay các NHTM vẫn phải đảm nhiệm. Thứ 2, trong lúc TTCK đang hấp dẫn nhà đầu tư, lúc có nhiều cơ hội phát triển của thị trường sơ cấp với hàng hoá chất lượng cao... thì lại bị trì hoãn, kéo giãn, tính toán quá lâu, gây mệt mỏi cho các nhà đầu tư, vừa mất thời cơ CPH với giá có lợi cho các DNNN lớn, vừa làm "lạnh" TTCK đang phát triển mạnh trở lại chưa đầy 1 năm (từ tháng 10/2006 đến tháng 6/2007).

Vậy theo ông cần chính sách thế nào để TTCK và tiền tệ "tiếp sức" cho nhau, tạo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế?

Về căn bản, NHNN cần sớm được chủ động sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ phản ánh đúng nghiệp vụ và quyền lực mang tính riêng có của NHTƯ với điều kiện các giải pháp phải được các Bộ, ngành khác tiếp sức một cách đồng bộ: Rà soát lại các dự án đầu tư từ nguồn NSNN phải đảm bảo tính cấp thiết và có hiệu quả; Có chính sách khuyến khích khu vực sản xuất, dịch vụ có sử dụng thiết bị nhập khẩu giá trị lớn được xét và có cơ chế chặt chẽ cho phép phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước và áp dụng cơ chế mua đứt bán đoạn ngoại tệ thay dần cơ chế "tín dụng ngoại tệ" như hiện nay nhằm tạo nguồn ngoại tệ ngay trong thị trường tài chính nội địa để đáp ứng nhu cầu thiết bị, vật tư thiết yếu cho sản xuất ra hàng hoá, dịch vụ trong nước; Các bộ ngành sản xuất hàng hoá vật chất và dịch vụ ở mọi thành phần kinh tế cần được khuyến khích mạnh mẽ thông qua chính sách thuế và chính sách phát triển thị trường của Nhà nước...

Mối liên hệ có tính chất bản chất giữa TTCK và thị trường tiền tệ lẽ ra rất "gắn bó" thì ở Việt Nam lại rất rời rạc, thậm chí có tình trạng "gắn bó" ngược theo kiểu muốn thị trường tiền tệ tín dụng (ngắn hạn) phải đầu tư vào TTCK (dài hạn) hơn là đóng vai trò chạy tiếp sức và tạo tính thanh khoản cho TTCK. Nghĩa là phải biến công cụ chứng khoán nợ có thời hạn dài thành vật thế chấp có độ an toàn cao trong việc vay vốn ngắn hạn tại NHTM, làm cho vốn ngắn hạn trên thị trường tiền tệ có thể chạy tiếp sức cho vốn dài hạn thông qua công cụ chứng khoán nợ của TTCK.

Xin cảm ơn ông!

Phương Thảo thực hiện

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây