"Gánh nặng" lạm phát

Mục tiêu lạm phát 2008: Không có con số cụ thể

Theo các số liệu chính thức, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 đã tăng tới 3,91% và tính chung 5 tháng tăng 19,09% so với cùng kỳ. Đây là một con số bất ngờ sau khi hàng loạt biện pháp kiềm chế giá được thực hiện.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc, con số lạm phát thấp nhất của năm 2008 cũng có thể lên tới 22%. Với tốc độ lạm phát cao như vậy, rõ ràng TTCK đang phải chịu áp lực rất lớn.

Nguyên nhân chính dẫn đến biến động này là sự tăng giá chưa từng có của nhóm hàng lương thực: Tăng 22,19%. Giá lương thực tăng cao chủ yếu do giá lương thực thế giới tăng mạnh, kéo theo giá trong nước tăng lên. Ngoài ra, những thông tin thất thiệt và hiện tượng đầu cơ gạo trong những ngày cuối tháng 4 ở một số địa phương cũng góp phần làm giá lương thực tăng đột biến.

Theo báo cáo của Chính phủ, ngoại trừ mặt hàng lương thực, hầu hết giá các nhóm hàng hoá và dịch vụ tháng 5 đã giảm nhẹ hoặc chỉ tăng ở mức 0,3% đến dưới 2%. Nhóm hàng lương thực chiếm tới 42,85% cơ cấu hàng hoá tính CPI, đồng thời còn là tác nhân kích giá các hàng hoá và dịch vụ khác tăng theo. Giả sử giá lương thực tháng 5 có mức tăng tương đương tháng 4 (6,11%) thì chỉ số giá tháng 5 chỉ tăng 2,08% và tổng cộng 5 tháng là 13,9%.

Mặc dù việc tăng giá lương thực gần đây có bao hàm cả yếu tố đầu cơ nhưng việc hạ giá lương thực để giảm mức tăng lạm phát xuống một cách cấp kỳ không đơn giản.

Theo giải trình của Chính phủ trước Quốc hội, để giảm giá lương thực có thể sử dụng biện pháp đánh thuế cao xuất khẩu gạo hoặc giảm mạnh lượng xuất khẩu, nhưng như vậy sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu, tăng nhập siêu, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống nông dân.

Ngoài ra nguyên nhân khiến lạm phát tăng mạnh còn do nhiều yếu tố như nhập khẩu tăng trong bối cảnh giá quốc tế biến động, giữ giá đồng nội tệ càng khuếch đại tình trạng "nhập khẩu" lạm phát...

Ngày 31.5 vừa qua, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội chấp nhận mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2008 là: "Tích cực phấn đấu kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng giá; bằng các biện pháp tổng hợp, đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng theo hướng giảm dần, tạo cơ sở để đưa tốc độ tăng giá xuống một con số trong vài năm tới".

Lo ngại kết quả kinh doanh quý II?

Tính đến thời điểm này, gần như toàn bộ DN niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý I.2008 với những con số khá lạc quan. Một số DN công bố kết quả lỗ do nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng, thị trường tiêu thụ khó khăn.

Câu hỏi lớn là liệu kết quả kinh doanh quý II sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào từ biện pháp thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát, lãi suất vay qua hệ thống NH tăng cao, thậm chí là khả năng thiếu hụt vốn khiến DN phải thu hẹp sản xuất. Liệu kết quả kinh doanh quý I đã phản ánh thực sự những tác động đó hay chưa? Lãi suất cho vay khó có thể giảm nếu lạm phát tiếp tục tăng cao bởi khả năng huy động vốn của NH bị hạn chế.

Theo nhận định ngay trong báo cáo cuối quý I.2008 của CTCK Euro Capital, vấn đề lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ chưa ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh doanh của các DN ngay.

Tuy nhiên sang quý II thì các yếu tố này chắc chắn sẽ gây ra những khó khăn rất lớn đối với tình hình hoạt động kinh doanh. Mặt khác, lãi suất tiền gửi NH tăng cao, giá dầu phi mã, nguy cơ lạm phát rình rập đang tạo lý do cho dòng tiền ngày càng có thêm động cơ rút khỏi TTCK.

Theo chuyên gia tiền tệ Kelly Wong của CTCK TPHCM (HSC), thị trường ngoại hối đang có sự chênh lệch giữa tỉ giá chính thức và không chính thức. Theo ý kiến này, chính sách cho vay bằng đồng USD gây khó khăn cho một số nhà xuất khẩu. DN buộc phải bán USD để đổi lấy VND để trả những khoản nợ dựa trên VND.

Với lãi suất vay bằng VND có thể lên tới 18%, khả năng duy trì lợi nhuận biên vốn rất hẹp là khá khó khăn. Sự tăng giá của nguyên vật liệu cũng đã không ủng hộ các nhà sản xuất trong nước, ví dụ như nông/ngư dân nuôi cá và hải sản đã phải chịu chi phí đầu vào cao hơn.

Từ góc độ thị trường, chỉ số giá chưa cho thấy bất kỳ tín hiệu lạc quan nào khi trải qua tròn một tháng mất điểm liên tục. Mức 400 điểm có thể được chạm tới trong tuần này chỉ với 3 phiên giảm sàn nữa. Các CTCK đều hết sức dè dặt khi tư vấn cho khách hàng về một "mức đáy" nào đó. Điều quan trọng lúc này là áp lực bán không hề suy giảm.

Theo nhận định của CTCK Euro Capital: "Với đà sụt giảm như hiện nay, ngưỡng 400 điểm trở nên mong manh. Theo khuyến nghị của chúng tôi, NĐT nên chờ cho đến khi các điều kiện kinh tế vĩ mô được cải thiện một cách rõ rệt".

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây