Giá 2009 tiếp tục xu thế giảm

Ở nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, giá thế giới tác động nhiều tới giá trong nước.

CPI năm 2008 trải qua hai thái cực: sốt nóng đầu năm và cảm lạnh dịp cuối năm. Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó có thể dự báo diễn biến giá trong năm tới.

Bức tranh giá tiêu dùng năm 2008 có hai nét độc đáo: sốt lạnh trong “mùa nóng” quý tư và chưa bao giờ giá cả trong một năm lại có tình trạng “chênh lệch nhiệt độ” lớn như vậy.

Trong nửa đầu năm liên tục tăng rất mạnh và đạt tổng mức tăng tới 18,44%, còn quý ba là khoảng thời gian “giao mùa” rõ rệt với tổng mức tăng chỉ là 2,89%, nhưng quý tư lại là “mùa lạnh” cũng thuộc loại hiếm với tổng mức giảm 1,62%, xếp sau kỷ lục giảm 1,8% của quý hai năm 2000.

Ảnh hưởng môi trường ngoài

Với một nền kinh tế còn ở trình độ phát triển rất thấp mà “rổ hàng hoá xuất khẩu” đã tròm trèm 70% và đặc biệt là “rổ hàng hoá nhập khẩu” đã vượt 90% “rổ GDP” như nước ta hiện nay, hiển nhiên là cả sốt nóng lẫn sốt lạnh giá cả thế giới đều tác động rất mạnh đến thị trường trong nước.

Các số liệu thống kê cho thấy, giá nguyên liệu thế giới liên tục tăng trong bảy tháng đầu năm 2008 với tổng mức tăng đạt 39,85% so với cuối năm 2007. Hai tháng 8 và 9 sau đó, giá giảm rất mạnh, tương ứng là 10,87% và 9,99%, còn hai tháng gần đây liên tục rơi tự do, trong đó tháng 10 giảm 21,23% và tháng 11 giảm 16,76%.

Với độ mở lớn thuộc loại hiếm có như nền kinh tế nước ta, nếu như giá cả trong nước liên tục sốt nóng theo giá cả thế giới bảy tháng đầu năm được coi là bình thường, thì việc từ tháng 8 đến nay nó “đi ngang” trong khi giá cả thế giới rơi tự do như vậy là điều không bình thường.

Có nghĩa là, giá cả trong nước vẫn chưa giảm một cách tương ứng, cho nên sức ép giảm vẫn còn rất lớn.

Chỉ riêng tình trạng xăng dầu từ Campuchia đang “chảy ngược” về nước ta trong thời gian gần đây, trong khi các “đại gia” trong nước vẫn khăng khăng cho rằng nếu tiếp tục giảm giá sẽ bị lỗ cho thấy điều đó.

Cùng với việc giá cả thế giới sẽ còn tiếp tục giảm trong năm 2009 do những tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, xu thế hạ nhiệt của giá cả trong nước còn tiếp tục.

Bên trong: cộng hưởng giảm giá

Nếu quan sát diễn biến của giá tiêu dùng trong nước trong 12 tháng qua, có thể thấy hai điểm nổi bật. Đầu tiên, giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao. Tính chung lại, trong khi giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm 42,85% trong “rổ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội” trong năm 2008 tăng tới 31,86%, thì giá của chín nhóm hàng hoá và dịch vụ còn lại chỉ tăng 10,92%.

Mức tăng giá tiêu dùng của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống ở thời điểm đầu năm và cuối năm không chênh lệch nhau nhiều, 67,69% hồi đầu năm và 68,64% dịp cuối năm, thì ở thời điểm tháng 6 đã đạt kỷ lục 71,41%. Số liệu tương ứng của chín nhóm hàng hoá và dịch vụ còn lại là 32,31%; 31,36% và 28,59%.

Cuối cùng, dù chỉ mới giảm nhẹ và chậm, nhưng chính việc giảm giá của chín nhóm hàng hoá và dịch vụ còn lại đã tạo nên cơn sốt lạnh cuối năm. Đến tháng 10 giá của chín nhóm hàng hoá và dịch vụ còn lại trong nước mới chững lại, trễ hai tháng so với diễn biến bên ngoài, còn hai tháng cuối cùng trong năm mới giảm đáng kể, cho nên đã khiến cho giá tiêu dùng ở mức “âm”.

Nguyên nhân gây sốt lạnh là do giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống hạ nhiệt, “cộng hưởng” với việc giảm giá của chín nhóm hàng hoá và dịch vụ còn lại. Với những áp lực giảm giá bị dồn nén trong nước quá lớn cộng với xu thế giảm giá sẽ còn mạnh hơn của thị trường thế giới trong năm 2009, cuộc chiến chống giảm phát đương nhiên sẽ khó khăn hơn.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây