Giá cổ phiếu phân hóa theo triển vọng lợi nhuận

Cao su: kết quả kinh doanh tốt, giá giảm!

9 tháng đầu năm 2008, CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) đạt doanh thu 378,6 tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2007; lợi nhuận đạt 145,8 tỷ đồng, tăng 26,6%, hoàn thành 96% kế hoạch năm; EPS là 4.860 đồng. Tương tự, CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) đạt gần 527 tỷ đồng doanh thu, tăng 17%; lợi nhuận đạt 195,3 tỷ đồng, tăng 23%; hoàn thành 81% kế hoạch năm; EPS là 4.883 đồng.

Dao động với biên độ hẹp trong tháng 8, đi theo xu hướng thị trường trong tháng 9 và rớt giá mạnh trong tháng 10 là diễn biến giá cổ phiếu nhóm ngành cao su 3 tháng qua. Trong 18 phiên giao dịch kể từ đầu tháng 10, TRC có 14 phiên giảm giá, phá đáy cũ 57.500 đồng/CP trong tháng 6, hiện giao dịch ở mức 33.900 đồng/CP (ngày 24/10). Tương tự, cổ phiếu HRC của CTCP Cao su Hòa Bình phá đáy cũ 38.900 đồng/CP, hiện còn 28.600 đồng/CP. Cổ phiếu DPR đang tiến sát về đáy cũ. Giá cổ phiếu TNC của CTCP Cao su Thống Nhất tiến sát mệnh giá. Giá nhóm cổ phiếu cao su có "phản ứng" đàn hồi song hành với diễn biến giá cao su trên thị trường quốc tế, ngược chiều với báo cáo kết quả kinh doanh khả quan của ngành trong 9 tháng đầu năm 2008.

Giá cao su bắt đầu giảm từ tháng 8, giảm mạnh kể từ đầu tháng 10. Trong vòng hơn 10 ngày đầu tháng 10, giá cao su giảm 15 triệu đồng/tấn, còn khoảng 30 triệu đồng/tấn. Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, giá dầu thô thế giới giảm gần 50% trong vòng 3 tháng khiến xu hướng sử dụng cao su tổng hợp từ dầu trở lại, làm giảm một phần nhu cầu cao su thiên nhiên. Quan trọng hơn, hậu cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra sẽ là giai đoạn suy thoái của nhiều đầu tàu kinh tế thế giới khiến mức tiêu thụ các ngành nguyên liệu cơ bản, trong đó có cao su giảm mạnh. Theo định mức của ngành cao su, giá thành khai thác và chế biến mủ cao su trong nước bình quân từ 28 - 30 triệu đồng/tấn. Với mức giá hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngành cao su không có lãi.

"Dường như các NĐT đang giao dịch cổ phiếu ngành cao su dựa trên phỏng đoán lợi nhuận của các doanh nghiệp trong tương lai, chứ không phải các tin tức lợi nhuận của ngành", giám đốc một CTCK nhận xét.

Xuất khẩu: phân hoá

Trong 18 phiên giao dịch kể từ đầu tháng 10, cổ phiếu ANV của CTCP Nam Việt có 17 phiên giảm giá. Phiên giao dịch ngày 24/10, ANV đóng cửa ở mức 22.500 đồng/CP, giảm hơn 40% so đáy cũ. 9 tháng đầu năm 2008, ANV đạt 2.514 tỷ đồng doanh thu và gần 250 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 60% kế hoạch năm. Bộ phận phân tích của CTCK Bản Việt nhận định, ANV là một trong các cổ phiếu NĐT cần chú ý bởi quy mô và tiềm năng của DN trong dài hạn. Số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến xuất khẩu Việt Nam cho thấy, 9 tháng đầu năm, ANV là doanh nghiệp dẫn đầu cả nước về kim ngạch và sản lượng xuất khẩu với khối lượng hơn 77.000 tấn, trị giá 153,4 triệu USD. Tuy nhiên, theo Bộ phận phân tích CTCK SSI, ANV đã đánh mất vị trí dẫn đầu trong ngành về tỷ suất lợi nhuận do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nhanh hơn giá xuất khẩu. Lãnh đạo ANV cho biết, ANV gặp nhiều khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ trong nước và những diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế.

Trái với hình ảnh của ANV, cổ phiếu ACL của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang đang được giao dịch ở mức giá 36.000 đồng/CP, có khoảng cách khá xa so với mức đáy 22.700 đồng/CP hồi tháng 6. Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm 2008 của ACL khá tốt, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 518,9 tỷ đồng, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2007; lợi nhuận sau thuế đạt 58,2 tỷ đồng, tăng 38,5%; EPS là 6.467 đồng.

Về triển vọng các doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ phận nghiên cứu của CTCK SSI nhận định, đối với các nhóm hàng như đồ gỗ, sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ chung sẽ bắt đầu từ năm 2009 trở đi, biểu hiện bằng các đơn hàng ít đi. Tuy nhiên, các khó khăn đã đến với ngành gỗ xuất khẩu trong năm 2008. Giám đốc một công ty ngành gỗ niêm yết cho biết, lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm mạnh do hợp đồng đã ký trước đó với giá thấp, trong khi giá vốn hàng bán và chi phí liên tục leo thang, nguồn nguyên liệu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Hiện tại, giá cổ phiếu SAVcủa CTCP Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex và giá cổ phiếu TTF của CTCP Kỹ nghệ gỗ Trường Thành đều thấp hơn đáy cũ khi kết quả kinh doanh không tốt như mong đợi. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2008, doanh thu SAV đạt 269,5 tỷ đồng, tăng 10,88% so với cùng kỳ năm 2007, nhưng lợi nhuận chỉ đạt 4,8 tỷ đồng, giảm 41,55%. Tương tự, đại diện TTF cho biết, lợi nhuận của Công ty năm 2008 ước đạt 60 tỷ đồng, trong khi kế hoạch là 80 tỷ đồng.

Theo Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí, Phó giám đốc điều hành Vina Capital, trong ngắn hạn, các dự báo xuất khẩu phải điều chỉnh xuống 10 - 15% vì lý do tăng trưởng GDP thế giới ở mức thấp. Tuy nhiên, trong dài hạn, với cuộc suy thoái hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có cơ hội. Đó là việc đẩy mạnh, đa dạng hóa thị trường và tìm kiếm khách hàng mới ở khu vực tiềm năng như Trung Đông.

Những nơi "trú bão" không còn an toàn

So với mức đỉnh 84.000 đồng/CP cuối tháng 8/2008, giá cổ phiếu KDC của CTCP Kinh Đô giảm hơn 50%, ngày 24/10 được giao dịch ở mức 36.800 đồng/CP. Tương tự, cổ phiếu TAC của CTCP Dầu thực vật Tường An cũng giảm mạnh, từ mức 81.000 đồng/CP cuối tháng 8 xuống 28.900 đồng/CP. Cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam trụ vững trên 90.000 đồng/CP trong đợt sụt giảm của thị trường hồi tháng 6 (VN-Index còn 366,02 điểm) đã không giữ được phong độ khi rớt xuống 73.500 đồng/CP... Lĩnh vực hàng tiêu dùng được nhiều CTCK tư vấn cho NĐT hướng tới trong lúc thị trường đi xuống đã không còn là nơi an toàn khi VN-Index ngày 23/10 xuyên thủng đáy cũ 366,02 điểm và ngày 24/10 giảm thêm 4,25%, xuống còn 345,11 điểm. Lý giải điều này, ông Lê Văn Thanh Long, Giám đốc đầu tư Quỹ đầu tư An Phúc nhận định, TTCK Việt Nam là một thị trường xu hướng, giá các cổ phiếu có khuynh hướng dịch chuyển theo chiều hướng chung.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây