Giá trị thực - nửa thực nửa ảo


Khi chỉ số VN-Index vượt quá 1.100 điểm, người ta nói nhiều cổ phiếu ở sàn giao dịch TP.HCM đã vượt xa giá trị thực của chúng. Khi nó xuống tới dưới 1.000, rồi dưới 900 điểm, người ta nói rằng chúng đang trở về giá trị thực. Nhưng rồi khi về gần tới 800 điểm lại thấy nó lên. Dường như giá trị thực ẩn khuất đâu đó quanh 800 điểm. Nhưng đó chỉ là hiện tượng nhất thời, xu thế chung vẫn là xuống, mà xuống khá nhanh.
 
Các “tuyến phòng ngự” 700, 600, 500 rồi 400 điểm lần lượt bị chọc thủng. Hiện nay nó dao động trong khoảng 370-380 điểm. Người ta bắt đầu nói tới “đáy” và “thủng đáy” với hàm ý thị giá nhiều cổ phiếu đã xuống quá thấp so với giá trị thực của chúng.
 
Giá trị thực ở đâu?
 
Mọi người đều biết mỗi cổ phiếu ngoài mệnh giá còn có thị giá và “giá trị thực” (đôi khi được gọi là giá trị nội tại). Thị giá khác giá trị thực ở chỗ nó luôn xuất hiện công khai trước mắt mọi người, còn giá trị thực lại giấu mặt, ẩn nấp ở bên trong thị giá. Vì vậy giá trị thực được coi là nội dung bên trong của thị giá, còn thị giá là hình thức bên ngoài của giá trị thực.
 
Tuy không nhìn thấy giá trị thực, nhưng dựa vào phân tích kinh tế người ta có thể cảm nhận được nó và công nhận nó có thật. Mâu thuẫn của từ ngữ giá trị thực là ở điểm này. Là cái có thật nhưng lại không có hình thái vật chất riêng để tự biểu lộ mình, mà chỉ có thể xuất hiện trong nhận thức của con người.
 
Giá trị thực mới “thực” một nửa, còn một nửa là “ảo”. Ảo mà thật, không như ảo ảnh, ảo giác. Cho nên để chữ nghĩa phù hợp với nhau, có lẽ nên gọi giá trị thực là giá trị nội tại hoặc gọn hơn là giá trị, một từ ngữ kinh tế quen dùng.
 
Giá trị thực biểu hiện qua thị giá. Khi một cổ phiếu được bán với giá 30.000 đồng, thì đó chỉ là biểu hiện giá trị thực của cổ phiếu vào thời điểm đó. Sẽ là nhầm lẫn về khái niệm nếu coi 30.000 đồng là giá trị thực. Nếu chúng trùng khít với nhau như thế thì khái niệm thị giá và giá trị thực trở thành vô nghĩa.
 
Có thể coi thị giá như cái áo. Nó có thể rộng hẹp, dài ngắn hơn giá trị thực, vì nó không chỉ phụ thuộc vào giá trị thực, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác của thị trường, trong đó yếu tố kỳ vọng thu lợi chủ quan của nhà đầu tư nhiều khi có vai trò quyết định.
 
Trong tình hình VN-Index hiện xuống rất thấp so với trước, xuất hiện câu hỏi: tới “đáy” chưa? Có người trả lời không những đã tới mà đã chọc thủng nhiều đáy. Nhưng cũng có người lại trả lời nó vẫn đang trên đường trở về giá trị thực. Vậy giá trị thực ở đâu?
 
Giá trị thực tuy không lộ diện nhưng có thật. Vậy có thể tính. Vấn đề chỉ là cách tính. Người ta có thể tính giá trị thực của cổ phiếu theo học thuyết giá trị - thu nhập và nhiều cách tính đã được nêu trên báo chí.
 
Một cách khác để tính giá trị thực
 
Cổ phiếu thực chất là giấy chứng nhận quyền nhận cổ tức của người sở hữu nó. Vậy giá trị thực của cổ phiếu có nguồn gốc từ cổ tức. Cách tính đơn giản nhất có lẽ là tính theo tỉ số giữa lợi suất cổ phần với lãi suất tín dụng. Thí dụ: một cổ phiếu được chia cổ tức một năm là 3.000 đồng, so với mệnh giá 10.000 đồng, lợi suất cổ phần là 30%. Nếu lãi suất tín dụng là 20%, tỉ số giữa hai lãi suất sẽ là 1,5. Muốn thu lãi 3.000 đồng phải có một cổ phiếu hoặc phải cho vay 15.000 đồng.
 
Nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu này với giá 15.000 đồng, thu nhập từ cổ tức và lợi tức bằng nhau. Vì vậy có thể coi 15.000 đồng là giá trị thực của cổ phiếu. Tất nhiên nhà đầu tư muốn mua với giá dưới 15.000 đồng, thí dụ 14.000 đồng, để thu lợi nhiều hơn cho vay. Còn nếu phải mua cổ phiếu với giá cao hơn, thí dụ 20.000 đồng, thì đầu tư vào cổ phiếu không lợi bằng cho vay. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn có thể mua với giá cao hơn nữa nếu họ kỳ vọng cổ tức sẽ rất cao trong tương lai.
 
Những điều nêu trên cho thấy giá trị thực phụ thuộc vào lợi suất cổ phiếu (cao thấp theo kết quả kinh doanh) và lãi suất cho vay. Nó không phải là một con số cố định mà biến động tùy theo điều kiện cụ thể. Cho nên cách nói về “đỉnh” và “đáy” của thị giá là thiếu chuẩn xác và có thể gây ngộ nhận.
 
Như đã nêu ở trên, thị giá có thể cao hay thấp hơn giá trị thực. Cơ chế thị trường sẽ điều tiết mức độ chênh lệch này theo xu hướng thị giá xoay quanh trục giá trị thực. Giả sử lợi suất cổ phần vẫn là 30%, lãi suất cho vay vẫn là 20%, nếu vì tình hình thị trường, nhà đầu tư mua được cổ phiếu với giá 10.000 đồng, thấp hơn giá trị thực.
 
Khi đó, theo qui luật thị trường, các nhà đầu tư sẽ đổ xô vào mua cổ phiếu rẻ đó. Thị giá ắt sẽ tăng. Nhưng nếu nó tăng tới, thí dụ 30.000 đồng, trong khi giá trị thực vẫn ở mức 15.000 đồng, thì thị giá lại vượt xa giá trị thực.
 
Lúc này nhà đầu tư phải bỏ ra 30.000 đồng mới thu được cổ tức 3.000 đồng, lợi suất từ cổ phần sẽ chỉ còn 10%, thấp hơn lãi suất cho vay. Thực tế diễn ra trước đây cho thấy thị giá đã từng lên tới mức rất cao so với giá trị thực. Và thị trường có qui luật tự điều tiết. Khi nhà đầu tư cảm thấy thị giá đã tăng tới mức tạo ra nguy cơ rủi ro, họ không những sẽ ngừng mua mà còn bán ra. Khi người bán nhiều, người mua ít, thị giá ắt phải hạ xuống. Tình hình gần đây là như thế.
 
Nếu do kết quả kinh doanh sa sút, cổ tức giảm, thí dụ chỉ đạt 1.000 đồng/cổ phiếu, lợi suất cổ phiếu 10%. Nếu lãi suất cho vay vẫn là 20%, tỉ số lợi suất cổ phần với lãi suất tín dụng sẽ là 0,5, giá trị thực sẽ không còn đứng được ở mức 15.000 đồng nữa, mà xuống chỉ còn ở mức 5.000 đồng. Khi đó nhà đầu tư sẽ mua với giá dưới 5.000 đồng.
 
Giá đó vẫn chưa phải là đáy nếu nó vẫn gần với giá trị thực. Giá trị thực và thị giá chỉ có một đáy. Đó là trường hợp doanh nghiệp phá sản, tiền bán toàn bộ tài sản không đủ trả nợ. Cổ phiếu bán không ai mua và trở thành những tờ giấy lộn. Cả thị giá, giá trị thực sẽ không còn.
 
Có thể coi cách tính giá trị thực nêu trên là cách đơn giản nhất, thích hợp với các nhà đầu tư dài hạn cũng như các nhà đầu tư ngắn hạn. Hạn chế của cách tính này là phải dựa vào lợi suất cổ phần và lãi suất tín dụng đã có. Do đó chỉ có thể tính được giá trị thực đã hình thành trong quá khứ, trong khi các nhà đầu tư lại quan tâm nhiều đến tương lai. Các công thức tính giá trị thực đã công bố đều có những biến số dự đoán, kỳ vọng, cho nên kết quả tính toán cũng chỉ là một cơ sở để dự đoán mà thôi.
 
Đến đây cần lưu ý hai điểm: 1) Cần phân biệt VN-Index với giá trị thực. VN-Index là chỉ số thị giá trung bình của tất cả các mã cổ phiếu giao dịch trên sàn. Nó rất quan trọng để bắt mạch thị trường chứng khoán và tình hình kinh tế chung. Còn giá trị thực chỉ có thể tính đối với từng mã cổ phiếu. 2) Giá trị thực luôn ẩn. Điều kiện để tính là phải có đủ thông tin đáng tin cậy từ doanh nghiệp.
    
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây