Giá vàng giao vào tháng 12 tăng 3,30USD/ounce tương đương 0,5% lên mức 736USD/ounce tại thị trường New York. Tại thị trường này, giá vàng giao ngay giảm 2,80USD/ounce xuống mức 734,90USD/ounce.
USD không thay đổi nhiều so với 6 loại tiền tệ lớn khác sau khi tăng 1,2% trong hai phiên giao dịch gần nhất. Giá vàng và một số loại kim loại khác thường biến đổi ngược chiều với USD. Tháng trước, giá vàng hạ 18% trong khi chỉ số USD tăng 7,8%.
Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, USD rớt giá khoảng 1,4% so với 6 loại tiền tệ lớn khác trước khi tăng trở lại. Cũng trong ngày hôm qua, đã có lúc giá vàng tăng khoảng 4,4%.
Mức tăng của giá vàng bị hạn chế trước dự đoán kinh tế toàn cầu suy thoái sẽ khiến nhu cầu hàng hóa sụt giảm.
Từ quý 2/2007, ngân hàng trên toàn thế giới đã thua lỗ khoảng 967,4 tỷ USD liên quan đến khủng hoản tín dụng. Chỉ số Standard & Poor's 500 giảm 41% trong năm nay nếu không tính đến phiên giao dịch ngày hôm qua (ngày 19/11), chỉ số Reuters/Jefferies CRB của 19 loại hàng hóa giảm 32%.
Giá dầu dưới tác động của việc kinh tế toàn cầu suy yếu
Giá dầu tại thị trường New York không thay đổi nhiều sau khi hạ trước thông tin trữ lượng dầu của Mỹ sẽ tăng đến tuần thứ 8 bởi nhu cầu nhiên liệu tại nền kinh tế tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới sụt giảm.
Giá dầu thô giao vào tháng 12 đứng ở mức 54,35USD/thùng tại thị trường New York. Giá dầu đã giảm 63% so với mức kỷ lục 147,27USD/thùng thiết lập ngày 11/07/2008.
Giá dầu giao tương lai giảm 56 cent tương đương 1% và đóng cửa tại mức 54,39USD/thùng, mức giá đóng cửa của giá dầu giao tương lai thấp nhất từ ngày 29/01/2007.
Theo một đại diện từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, kinh tế nước này có thể tăng trưởng thấp hơn 9% trong quý 4/2008 bởi nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu sụt giảm.
Ông còn nhận xét tăng trưởng của nền kinh tế các nước châu Á có thể rơi xuống mức dưới 8% trong năm 2009 trước khi hồi phục lên mức 8 hoặc 9% trong năm 2010. Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu nhiều thứ 2 trên thế giới.
TTCK châu Á ngày hôm qua (ngày 19/11) sụt giảm, cổ phiếu của nhóm ngành sản xuất hàng hóa giảm mạnh.