Giải bài toán cổ phiếu cầm cố

Hiện nay, không chỉ nhà đầu tư (NĐT) cá nhân tranh nhau bán mà còn một lượng lớn CP liên tục được nhiều tổ chức bán ra. Điều này được thể hiện rõ ở nhiều phiên ngay trong tháng 5, một số lệnh bán sàn với quy mô lớn xuất hiện và tập trung ở những mã được xem là blue-chips như STB, SSI, ACB, DPM... Một số công ty chứng khoán cho rằng do các ngân hàng đang thực hiện giải chấp để thu hồi vốn, đặc biệt trong giai đoạn quan trọng cần bảo đảm tính thanh khoản. Sau lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã thực hiện việc ngừng giải chấp CP cầm cố một thời gian. Tuy nhiên, việc ngưng giải chấp này không thể kéo dài quá lâu vì bản thân các NHTM phải lo thu hồi vốn cũng như tránh nguy cơ tỷ lệ nợ xấu gia tăng.

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), việc thị trường chứng khoán suy giảm liên tục trong thời gian vừa qua có nguyên nhân từ nguồn cung CP cầm cố được bán không có tổ chức. Điều này dẫn đến thị trường mất dần tính thanh khoản. Theo VAFI, nguồn CP cầm cố trên các sàn giao dịch không còn nhiều, tuy nhiên việc giải chấp trong điều kiện tính thanh khoản của thị trường kém thì không có hiệu quả. Ngân hàng càng bán ra càng khiến CP giảm giá. Vì vậy trong các giải pháp đề xuất để bình ổn thị trường chứng khoán, VAFI đề nghị các NHTM không thực hiện việc bán ồ ạt CP cầm cố khi tới hạn giải chấp. Thay vào đó vẫn tiếp tục thực hiện việc cho vay nợ từ cầm cố chứng khoán nếu như NĐT vẫn có khả năng trả lãi cho ngân hàng. Hơn nữa, VAFI đề nghị Chính phủ cho phép các NHTM nhà nước chuyển các khoản nợ từ cho vay cầm cố CP thành khoản đầu tư CP của ngân hàng.

Theo VAFI, nhìn về dài hạn thì hầu như các loại CP cầm cố đều là CP tốt chứ không phải như những dây chuyền thiết bị lạc hậu hoặc không phải như những khoản nợ xấu từ các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Vì vậy việc chuyển nợ thành khoản đầu tư chứng khoán của NHTM sẽ mang lại giá trị lớn hơn nhiều giá trị cầm cố trong tương lai. Các NHTM cũng nên có cách làm tương tự vì nhìn chung, dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán cũng không lớn.

Việc các NHTM xử lý CP cầm cố khi giá thị trường xuống dưới mức cho vay là hoạt động bình thường của các ngân hàng. Tuy nhiên theo nhà phân tích chứng khoán Lê Đạt Chí, các NHTM phải tự cứu mình trước. Một số cách có thể cân nhắc là các NHTM có thể thỏa thuận mua lại số CP đang cầm cố theo một mức giá phù hợp mà không cần phải đem ra bán ồ ạt trên thị trường. Ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC - thì cho rằng, muốn giải được bài toán này thì phải có người "hy sinh". Ví dụ như các NHTM không bán nữa hoặc có một chủ thể nào đó đứng ra mua lại hết khối lượng CP cầm cố này. Theo ông Tuấn, bản thân Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trước đây đã tuyên bố thực hiện mua lại nhưng lại không đủ lực để gom hết số lượng CP này. Vì vậy hiện nay Ngân hàng Nhà nước phải chủ động hơn như việc đẩy mạnh tái cấp vốn cho các NHTM hay cho vay lại khoản đầu tư vào CP cầm cố với lãi suất ưu đãi cho các NHTM. Bên cạnh đó, một chuyên gia tài chính chứng khoán lại đề nghị Nhà nước nên trích một phần số tiền đã thu được từ những đợt IPO trước đây để mua lại số lượng CP cầm cố này nhằm hỗ trợ thị trường. "Tất nhiên bản thân Nhà nước không kinh doanh nhưng có thể thông qua SCIC để gỡ bài toán này. Ví dụ trước đây giá bán của Vietcombank lên đến hơn 100.000 đồng/CP nhưng nay giá thị trường đã giảm xuống chỉ còn khoảng 30.000 đồng/CP. Rõ ràng tính ra thì Nhà nước đã được lợi hơn các nhà đầu tư khi mua vào CP Vietcombank. Hơn nữa, cứu thị trường chứng khoán thì Nhà nước mới tiếp tục bán được CP của các doanh nghiệp ra bên ngoài để thực hiện quá trình cổ phần hóa của mình", vị chuyên gia này nói.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây