Cuộc tọa đàm này được tổ chức sau thời dài gian Hiệp hội ngóng chờ mà không thấy giải pháp “mạnh” từ phía cơ quan chức năng trong khi thị trường vẫn giảm sâu.
Những nội dung chính được VASB đưa ra để thảo luận là: giảm phí cho các công ty chứng khoán; biên độ giao dịch; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty chứng khoán, ưu đãi thuế cho nhà đầu tư; mở room cho nhà đầu tư nước ngoài; trong đó vấn đề về biên độ được nhiều đại diện quan tâm nhất.
Thị trường giảm sâu
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Chủ tịch VASB cho biết, nhiều nước trên thế giới có cách giải quyết về biên độ khác nhau, như ở Ba Lan, có thời kỳ họ bỏ hẳn biên độ; Trung Quốc mở rộng biên độ; ở Đài Loan, khi thị trường “nóng” cũng xử lý biên độ để “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, việc xử lý biên độ phụ thuộc vào tính ổn định của chính sách kinh tế vĩ mô.
Còn tại thị trường Việt Nam, hiện có ý kiến là nới rộng biên độ, xử lý biên độ lệch, bỏ hẳn biên độ và giữ nguyên biên độ như hiện nay.
Trước những ý kiến trên, đa số đại diện các công ty chứng khoán đều cho rằng đã đến lúc nới biên độ, ít nhất là đưa về như cũ.
Theo đại diện của Cty Chứng khoán Bảo Việt, thị trường hiện nay chưa đủ nền tảng để bỏ biên độ. Tuy nhiên, lúc này cần nới rộng biên độ, ít nhất là bằng mức trước, bởi việc mở rộng biên độ sẽ giúp thị trường có tính thanh khoản. “Trước đây, thu hẹp biên độ là để trấn tĩnh thị trường, chặn đà suy giảm nhưng hiện nay thị trường đang mất tính thanh khoản. Người mua và người bán như ở hai đầu cầu, mỗi ngày nhích một ít không biết đến khi nào mới gặp nhau. Vì vậy, mở lại biên độ sẽ tạo được tính thanh khoản cho thị trường”-đại diện này nói.
Đại diện này cũng cho rằng, trên thị trường OTC, không có biên độ nên tính thanh khoản vẫn cao hơn thị trường tập trung. Điển hình là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quân Đội vẫn được giao dịch nhiều trong thời gian qua.
Đồng tình với ý kiến của Cty Chứng khoán Bảo Việt, đại diện của Cty Chứng khoán Thăng Long, SSI, Tân Việt đều cho rằng nên mở biên độ. “Biên độ chỉ nên thu hẹp trong một thời điểm nào đó và trong thời gian ngắn, không nên thu hẹp lâu như vậy. Thị trường thì phải có người mua, người bán nhưng hiện nay chỉ có người bán là chủ yếu”.
Cùng với vấn đề trên, nhiều công ty chứng khoán cũng đóng góp về giảm phí. Trong khi nhiều công ty chứng khoán thực hiện giảm phí cho nhà đầu tư nhưng lại vẫn phải đóng phí cho Sở Giao dịch và Trung tâm Giao dịch chứng khoán. Hơn nữa, trong tình cảnh hiện nay, với lượng giao dịch quá thấp, mức thu hàng ngày của các công ty không đủ chi.
Những vấn đề còn lại cũng được các công ty đóng góp rất nhiệt tình.
Các ý kiến sẽ được VASB tổng hợp và làm thành văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nhà nước, Bộ Tài chính…để những biện pháp “mạnh” “cứu” thị trường sớm được đưa ra.