Giải pháp thu hẹp biên độ: Bước đầu thành công

Các NĐT theo dõi diễn biến giá CP tại sàn CK Bảo Việt (HN).
Thị trường có mất tính thanh khoản?

Giải pháp giảm biên độ đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi về nguy cơ đóng băng thị trường, mất tính thanh khoản. Tuy nhiên thực tế 2 phiên vừa qua cho thấy nhu cầu mua vẫn rất lớn, đủ để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của những ai muốn rời khỏi thị trường. Việc thiếu thanh khoản lúc này lại là do bên bán găm hàng - một kịch bản có lẽ không mấy ai lường trước vì mục đích của việc thu hẹp biên độ là ngăn tốc độ giảm quá nhanh chứ không phải ngược lại.

Lượng cung đang "thừa mứa" 3 phiên đầu tuần, tại sao đến 2 phiên cuối tuần lại cạn kiện một cách bất thường như có phép màu? Nguồn bán ra thời gian qua có thể chia làm ba dạng chính: Khối lượng giải chấp cầm cố từ NH, khối lượng bán cắt lỗ và khối lượng đầu cơ giá xuống.

Với những người bán hoảng loạn, biên độ nhỏ đã giúp họ trấn tĩnh, hoặc chí ít cũng tạm dừng lại để nghe ngóng xu thế thị trường. Thực tế sự lo ngại tình trạng đóng băng thị trường theo nghĩa thiếu cầu đã tạo ra phiên giao dịch có khổi lượng khổng lồ tới 17,92 triệu CP (ngày 26.3, trước một ngày khi biên độ mới được áp dụng).
 
Trước tình hình cung cầu đột nhiên đảo ngược ngày 27.3, NĐT nắm giữ CP đã quyết định dừng bán do cân nhắc tương quan giao dịch tại thời điểm đó. Nếu sức cầu vẫn mạnh trong khi lượng bán ra quá ít thì gần như đa số họ quay sang chiến lược găm giữ vì nếu giữ lâu cũng được thêm 1% mỗi ngày và nếu có "động" thì cũng chỉ mất 1% mà thôi.

Rõ ràng giải pháp co hẹp biên độ đã giúp họ có cảm giác an tâm hơn rất nhiều. Nguồn cung thứ hai là khối lượng bán đầu cơ giá xuống chắc chắn phải dừng lại vì rất ít tác dụng với biên độ chỉ 1-2%/ngày.

Với lượng bán từ các NH, nếu có nhu cầu giải chấp hoặc bán, nhóm này có thể thực hiện tốt trong hai phiên cuối tuần vì sức cầu rất lớn. Câu trả lời chỉ có thể là đã có một sự điều tiết khối lượng cung này. Các NH đã thực hiện nghiêm túc cam kết tạm ngừng giải chấp.

Về phía cầu, lượng mua tăng cao chứng tỏ một bộ phận không nhỏ người cầm tiền mặt an tâm với hình thức "bảo hiểm" của biên độ. Những người dù biết nhiều CP giá đã quá rẻ trước đây không dám mua vào do lo sợ sự suy giảm mạnh hơn nay đã có cơ sở để quyết định.

Đặc biệt với những người đầu tư dài hạn, đây có thể là cơ hội mua vì khả năng giảm sâu hơn khá thấp. Việc thu hẹp biên độ tạo cảm giác nhà nước sẽ làm mọi cách để ngăn đà rơi tự do của thị trường và suy nghĩ này có căn cứ trước các giải pháp mạnh tay vừa được đưa ra. Sức cầu cũng được bổ sung từ chính những người đầu cơ giá xuống nay phải bù đắp lại (cover) danh mục vì nếu không rủi ro sẽ quá lớn với biên độ này.

Nguy cơ lơ lửng

Ngay UBCKNN cũng đã thừa nhận giải pháp thu hẹp biên độ chỉ là tạm thời. Giải pháp này ít nhất nhằm ba mục đích quan trọng: Giúp NĐT bình tĩnh; giúp NH khỏi "sốt ruột" khi cam kết ngừng giải chấp (mức sụt giảm tối đa cũng chỉ 1%/ngày) và giúp các cơ quan nhà nước có thời gian triển khai các giải pháp khác.

Như vậy thị trường trong lúc này không thể hiện xác thực toàn bộ tâm lý cũng như tương quan cung cầu. 3 câu hỏi lớn mà thị trường đang chờ đợi trước khi có một chuyển biến mới là: Lượng cầm cố chưa giải chấp lúc này thì sẽ được xả ra lúc nào hoặc giải quyết như thế nào, có NH nào phá cam kết hay không; Câu chuyện kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của DN khi nào có chuyển biến tích cực; các giải pháp trung và dài hạn thời gian tới được thực hiện như thế nào?

Trong các câu hỏi này, nguy cơ gần nhất là lượng cung giải chấp từ phía NH. NH chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không giải chấp. Đây là lúc cần có những thông tin cụ thể về các giải pháp hỗ trợ đối với hệ thống NH để thị trường an tâm rằng các NH không bị bỏ rơi với đống "của nợ" và không bị ép phải bán ra trong ngắn hạn.

Một nguy cơ nữa là sự mông lung về thời điểm sẽ trả lại mức biên độ cũ cho thị trường. Sức mua tăng hai phiên cuối tuần vừa qua chưa thể hiện thực tế suy nghĩ và hành động của các tổ chức đầu tư. Biên độ nhỏ đồng nghĩa với tính thanh khoản kém (dù thực tế chưa mất hẳn tính thanh khoản).

Điều này có thể không mấy ý nghĩa với NĐT cá nhân nhỏ nhưng với các nguồn vốn lớn lại là mối quan tâm hàng đầu và chính những nhà tạo lập thị trường (market maker) này mới làm thị trường phát triển. Nếu biên độ nhỏ này càng được giữ lâu thì nguy cơ về rủi ro chính sách càng được đánh giá là nguy hiểm.

Nam Nguyễn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây