Hé mở lợi nhuận quý II: Giá cổ phiếu sẽ phân hoá mạnh

NĐT trên sàn CK Bảo Việt đang dõi theo những biến động lên xuống của giá CP.

Sức mua đang tập trung vào một số blue-chips có kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm khả quan.

Vai trò giữ nhịp 

Trong điều kiện bình thường, các CP lớn luôn đóng vai trò đầu tàu của một đợt tăng trưởng và có nhiệm vụ giữ nhịp khi thị trường, khi giá đạt tới một mặt bằng mới. Đợt phục hồi lần này, sức mua mạnh đến với nhóm blue-chips từ rất sớm. Ngoài mục đích kéo giá, tạo hưng phấn cho đa số CP còn lại, sức hấp dẫn còn xuất phát từ khả năng trụ vững và "lội ngược dòng" của DN trong thời kỳ kinh tế khó khăn. TTCK là chỉ báo nhạy cảm nhất đối với nền kinh tế và giá CK thường đi trước các phân tích cơ bản. Do đó mức tăng giá mạnh vừa qua với nhóm CP này được hỗ trợ bởi kỳ vọng kết quả kinh doanh lạc quan, chí ít là tốt hơn mong đợi.

Đến nay, mới có rất ít DN công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nhưng dường như một chỉ báo khá chính xác là các DN công bố thông tin sớm thường là các DN làm ăn tốt. Mặt khác, các phân tích cơ bản cũng chỉ ra rằng trong bối cảnh lạm phát tăng cao, không phải tất cả các DN đều chịu những tác động bất lợi, thậm chí một số DN trong những lĩnh vực đặc thù có thể được hưởng lợi.

Khi giá nguyên vật liệu tăng, những DN có khả năng giữ được giá đầu vào ổn định, có sự bù đắp về giá đầu ra hoặc có sự chủ động về nguyên liệu, thậm chí là hàng tồn kho lớn cũng có lợi thế lớn. Một số DN có thể kể đến như DPM, hay các DN ngành caosu được hưởng lợi với giá thế giới tăng mạnh, các nhà máy thủy điện như VSH vốn có lợi do điều kiện thời tiết tốt có thể tăng sản lượng, VNM, HPG có lợi thế về chủ động nguyên liệu, hàng tồn kho trong khi giá sản phẩm tăng cao...

Đối với những DN gặp khó khăn, dễ nhận thấy nhất là nhóm NH tài chính, các DN bị tác động bởi nhu cầu tiêu thụ giảm, chịu chi phí vật liệu đầu vào cao hoặc gặp khó khăn lớn trong vấn đề vốn lưu động. Tuy nhiên, một số thông tin hé mở mới đây về khối NH cho thấy bức tranh không quá xám xịt. Tiêu biểu trên sàn niêm yết là ACB và STB có được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khá. Hai NH này đã có sự đa dạng hóa thu nhập, chẳng hạn từ giao dịch vàng, ngoại hối hay trái phiếu chính phủ.

Thông tin từ STB cũng cho thấy mảng BĐS rất hứa hẹn. Dù vậy, những khó khăn đến từ chính sách thắt chặt tín dụng, hoạt động cho vay giảm, mảng đầu tư CK cũng đem lại không ít khó khăn. Các CTCK niêm yết hiện vẫn chưa công bố thông tin nhưng cùng với sự suy giảm chung của thị trường suốt thời gian qua, các hoạt động chính như môi giới, tự doanh, tư vấn khó có thể đem lại kết quả đột biến.

Đối với một số DN, tác động từ giá nguyên, nhiên liệu đầu vào trong khi giá sản phẩm khó có thể tăng thêm do sức tiêu thụ kém hoặc chính sách bình ổn giá, lãi suất vay cao là khó khăn đáng kể nhất. Nằm trong số này có thể kể đến một số DN xây dựng, thủy sản, DN sản xuất xi măng, dược phẩm phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu NK. Khá nhiều DN đã phát tín hiệu ngay từ báo cáo tài chính quý I vừa qua và tình hình chưa thể cải thiện ngay trong quý II mặc dù lãi suất NH đang có xu hướng chững lại.

Các CP lớn trên sàn niêm yết đang có vị trí vững chắc trong đợt tăng trưởng này. Dòng tiền thông minh đã chảy vào đây từ khá sớm, đồng thời sức cầu ngày cũng đang tăng chứng tỏ thị trường tiếp tục đặt kỳ vọng lớn. Trong số 15 CP có tỉ trọng vốn hóa lớn nhất sàn HoSE, ngoài SSI tăng giá xuất phát từ nguyên nhân đặc thù (hoạt động thu gom từ cổ đông lớn), các mã còn lại đều có sự phân hóa nhất định. Chỉ số Index chung của 15 CP này cho thấy đã có sự giảm tốc độ so với thời kỳ bùng phát ban đầu nhưng vẫn tiếp tục tăng trưởng khá mạnh. Một số CP trụ cột trên cả hai sàn như DPM, STB, SSI (HoSE) và PVS, ACB (HaSTC) tiếp tục có vai trò giữ nhịp tốt với sức mua vượt trội.

Đa nghi như... thị trường 

Mặc dù các con số báo cáo (chưa được kiểm toán) với một số DN có thể rất tốt nhưng điều đó chưa hẳn đã thuyết phục được đa số NĐT. Thực tế các báo cáo tài chính có thể được "làm đẹp" trong mức độ cho phép của các tiêu chuẩn kế toán khiến NĐT có thể đánh giá sai về năng lực của DN. Các nghiệp vụ có thể tác động đến lợi nhuận thông thường là tăng giảm khấu hao, dự phòng giảm giá, dự phòng nợ khó đòi hay điều chỉnh chính sách bán hàng nhằm đạt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận theo kế hoạch.

Các tiểu xảo như vậy có thể đem lại một con số báo cáo đẹp, tuy nhiên bản chất về năng lực hoạt động vẫn không thay đổi và sẽ dồn vào báo cáo cuối năm của DN. Một trong những ví dụ đã xảy ra là trích lập dự phòng giảm giá cho hoạt động đầu tư tài chính. Rất nhiều DN trong báo cáo quý I vừa qua đã không thông báo việc trích lập dự phòng này. DN đầu tiên "dũng cảm" công bố thông tin này và chấp nhận mức lợi nhuận âm là REE. Các hoạt động cơ bản của REE vẫn đạt doanh thu và lợi nhuận khá nhưng do phải "gánh" việc dự phòng giảm giá cho đầu tư CK nên lợi nhuận gộp đã trở thành con số âm.

Dĩ nhiên trong trường hợp thị trường khởi sắc về cuối năm, chi phí dự phòng này cũng sẽ giảm đi nhưng không phải DN nào cũng đủ can đảm công bố thực con số lỗ từ hoạt động "tay trái" này. Không ít DN cho rằng "lập lờ" việc trích lập dự phòng để dồn đến cuối năm nhằm mong chờ một "phép lạ" đến với TTCK. Nửa đầu năm 2007 trở về trước là thời điểm các DN niêm yết phát hành thêm ồ ạt và nhiều DN rót tiền vào TTCK. Nếu tham gia vào thời điểm đó, các khoản đầu tư có thể đã giảm tới trên 50% theo VN-Index.

Những con số lỗ chắc chắn sẽ phản ánh vào báo cáo tài chính cả năm. Hiện tại, gần như không có DN nào công bố công khai rằng không tham gia mua CK niêm yết trong khi báo cáo cuối năm 2007 đều cho thấy rõ ràng. Sự thiếu minh bạch chỉ làm cho NĐT thêm "dị ứng" với DN đó mà thôi.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây