Hoạt động ngân hàng dần bị đóng băng

Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng. Ảnh minh họa: Vũ Hưng

Thực tế vài tháng nay, lãi suất tín dụng quá nóng đã khiến vai trò huy động vốn của ngân hàng dường như không còn.

Lãi suất trần 11% vừa được các ngân hàng thương mại thỏa thuận đã buộc họ vào thế bí khi không huy động được nguồn vốn trong dân. Không vay được tiền vì lãi suất huy động quá thấp nhưng các ngân hàng cũng không dám cho vay mặc dù đang còn tiền.

Lý giải việc khó khăn ký kết các hợp đồng cho vay, đại diện một ngân hàng thương mại than rằng từ tháng 2 đến nay, hầu như ngày nào Ngân hàng nhà nước cũng kiểm tra mức tăng dư nợ tín dụng của các ngân hàng. Chỉ cần ngân hàng nào có dấu hiệu vượt mức dư nợ tín dụng 30%/năm là bị Ngân hàng nhà nước “thổi còi” liền. Họ vẫn phải cho vay cầm chừng để giữ khách hàng. Nếu không cho vay thì khác nào ngưng hoạt động.

Theo Ngân hàng nhà nước, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế là 37,8%, cao so với nhiều năm trước. Trong năm 2007, để hạn chế tổng phương tiện thanh toán, Ngân hàng nhà nước đã sử dụng nhiều biện pháp, trong đó phải tăng dự trữ bắt buộc lên từ 1,5-2 lần. Đầu năm 2008, Ngân hàng nhà nước cũng đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp mạnh nhằm thắt chặt tiền tệ như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 10% lên 11%, mở rộng phạm vi tiền gửi, thực hiện phát hành tín phiếu Ngân hàng nhà nước, bắt buộc mua đối với các ngân hàng, kiểm soát cho vay đối với kinh doanh bất động sản, cho vay chứng khoán, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm lên 7,5%/năm, lãi suất chiết khấu từ 4,5%/năm lên 6%/năm...

Còn về phía doanh nghiệp, ông Đào Văn Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết đang đầu tư 25 nhà máy điện cho khoảng 1.000 công trình lưới với kinh phí 150.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các ngân hàng đang yêu cầu đàm phán lại để điều chỉnh lãi suất, cắt giảm thời gian cho vay. Không chỉ có các dự án của ngành điện mà hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đang khan vốn. Để cứu doanh nghiệp, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ nên tổ chức cuộc họp khẩn giữa các ngân hàng nhà nước với các doanh nghiệp có nguồn vay lớn nhằm tháo gỡ vướng mắc.

Đã đi kinh doanh thì mấy ai chịu thiệt. Ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp mà thôi. Với chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng nhà nước thì có thể họ sẽ giảm lợi nhuận. Khi lãi suất đi vay tăng cao, doanh nghiệp sẽ tính vào giá bán sản phẩm, dịch vụ. Tất nhiên là người tiêu dùng sẽ trả phần đội thêm này. Liệu bao lâu nữa hệ thống ngân hàng mới có thể tiếp tục phát huy được vai trò của mình?

Lê Thanh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây