![]() |
Sau phiên ảm đạm ngày hôm qua, cho thấy lực cản thị trường phục hồi trong giai đoạn hiện nay khá lớn. Những thông tin vĩ mô có tính chất hỗ trợ thị trường hồi phục vẫn chưa xuất hiện. Mặc dù thông tin về việc tạm hoãn thu thuế thu nhập cá nhân được hé lộ, nhưng nhà đầu tư trên sàn không có phản ứng tích cực nào do đã quá thất vọng trước đó.
Bên cạnh đó, những thông tin không mấy khả quan về tình hình kinh tế toàn cầu khiến chứng khoán thế giới mất điểm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc trên bảng điện tử sáng nay.
![]() |
Thị trường đang dần đón nhận những thông tin từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, những yếu tố này sẽ giúp thị trường phân hoá lại các nhóm cổ phiếu, tạo ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư khi nắm giữ được những mã cổ phiếu tiềm năng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng rất cảnh giác trước thời điểm nhạy cảm này khi mà năm 2008 được nhận định là sẽ khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Thêm vào đó, việc hàng loạt vụ bê bối tài chính trong và ngoài nước thời gian qua khiến nhà đầu tư cẩn trọng hơn trước những con số đẹp.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/01/2009, chỉ số VN-Index đóng cửa ở 307,13 điểm, giảm 5,05 điểm (tương đương giảm 1,62%). Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 7.568.260 đơn vị, tăng 30,32% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 160,905 tỷ đồng, tăng 28,98% so với phiên trước.
Tổng giao dịch thỏa thuận cổ phiếu và trái phiếu thành công đạt 1.072.890 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 20,12 tỷ đồng. Như vậy, tổng khối lượng giao dịch toàn phiên đạt 8.641.150 đơn vị (tăng 32,56% so với phiên trước) và tổng giá trị giao dịch đạt 181,025 tỷ đồng (tăng 23,02%).
![]() |
Bước vào đợt giao dịch đầu tiên, thị trường vẫn chưa cho thấy tín hiệu thoát ra khỏi giai đoạn giằng co khi đa phần các lệnh chảy vào thị trường là lệnh nhỏ và khối lượng khớp lệnh của bên mua và bên bán rất thưa thớt. Những mã cổ phiếu có vốn hoá lớn như PVF, STB, FPT, HAG, DPM… vẫn đang cho dấu hiệu giảm điểm và vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy những cổ phiếu này sẽ phục hồi mạnh trong những phiên tiếp theo.
Kết thúc đợt 1, chỉ số VN-Index giảm 3,61 điểm, xuống 308,57 điểm (tương đương giảm 1,16%). Tổng khối lượng khớp lệnh thành công đạt 682.730 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt 14,77 tỷ đồng. Kết thúc đợt khớp lệnh mở cửa, có 19 mã tăng giá, 35 mã đứng giá tham chiếu, 117 mã giảm giá và 4 mã không có giao dịch là BBT, SCD, SJ1, CAD. Đáng chú ý, trong đó chỉ có 4 mã tăng trần là SFN, SZL, UIC, KSH và có tới 20 mã giảm sàn.
Bước sang đợt giao dịch thứ 2, thị trường vẫn cho thấy tình trạng kém thanh khoản, rất nhiều cổ phiếu vẫn chưa có giá trị khớp lệnh. Trong khi đó các cổ phiếu có vốn hoá lớn thì vẫn khớp với khối lượng lệnh khá thấp. Khối ngoại hôm nay cho thấy giao dịch tốt hơn ngày hôm qua về số lượng các cổ phiếu đầu tư, các cổ phiếu mà khối đầu tư ngoại đang quan tâm là ANV, FTP, HPG, REE, TDH, SAM… Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh còn khá thấp chỉ trên dưới 30- 50 ngàn đơn vị.
![]() |
Tại thời điểm này, vẫn chưa có cổ phiếu nào cho dấu hiệu bứt phá mạnh khỏi giai đoạn giằng co, thị trường vẫn đang thiếu bóng dáng của các nhà đầu tư tổ chức và nước ngoài. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư không muốn mạo hiểm và đang chờ đợi sự phân hoá lại các nhóm cổ phiếu khi có thông tin chính thức từ kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết.
Sau 75 phút khớp lệnh liên tục, chỉ số VN-Index giảm 4,86 điểm, xuống 307,32 điểm (tương đương giảm 1,56%). Tổng khối lượng khớp lệnh thành công đạt 6.228.220 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt 133,00 tỷ đồng.
Kết thúc đợt 3, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 307,13 điểm, giảm 5,05 điểm (tương đương giảm 1,62%) so với phiên trước đó. Tổng khối lượng khớp lệnh báo giá thành công đạt 7.568.260 đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt 160,91 tỷ đồng.
Trong tổng số 175 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn HoSE, có 26 mã tăng giá, 113 mã giảm giá, 36 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, có 5 mã tăng trần là BT6, SFC, SFN, VFC, KSH và 22 mã giảm sàn. Đáng chú ý, sau khi kết thúc đợt khớp lệnh đóng cửa, trên bảng điện tử có tới 23 mã không còn dư mua trong khi dư bán tràn ngập trên bảng điện tử.
Trong 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, có 9 cổ phiếu giảm giá, 1 mã đứng giá là VNM.
Cụ thể, VNM giữ nguyên mức giá tham chiếu là 84.000 đồng/cổ phiếu. Còn lại, HPG giảm 500 đồng/cổ phiếu (tương đương 1,57%), còn 31.300 đồng. VIC giảm 500 đồng/cổ phiếu (tương đương 0,64%), còn 78.000 đồng. DPM giảm 500 đồng/cổ phiếu (tương đương 1,42%), còn 34.800 đồng. PVD giảm 500 đồng/cổ phiếu (tương đương 0,67%), còn 74.500 đồng. FPT giảm 600 đồng/cổ phiếu (tương đương 1,19%), còn 49.900 đồng. PVF giảm 800 đồng/cổ phiếu (tương đương 4,26%), còn 18.000 đồng. HAG giảm 1.000 đồng/cổ phiếu (tương đương 1,65%), còn 59.500 đồng. VPL giảm 2.500 đồng/cổ phiếu (tương đương 4,17%), còn 57.500 đồng.
Cổ phiếu có khối lượng giao dịch báo giá dẫn đầu thị trường là STB với 686.040 đơn vị được giao dịch thành công (chiếm 21,16% tổng khối lượng toàn thị trường), đóng cửa ở mức 17.900 đồng/cổ phiếu sau khi giảm 300 đồng (tương đương 1,65%). Tổng khối lượng của 5 mã có giao dịch lớn nhất thị trường chiếm 32,74% so với tổng khối lượng khớp lệnh trong phiên sáng nay. Trong khi đó, một số mã như CAD, COM, DPC, SAF, LGC, DTT, SCD, SJ1 lại có khối lượng cổ phiếu được giao dịch rất thấp chưa đầy 100 cổ phiếu.
Trong phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là KSH với mức tăng 4,93%, lên 14.900 đồng (tăng 700 đồng/cổ phiếu), tổng khối lượng giao dịch hơn 3 nghìn cổ phiếu. Ngược lại, với mức giảm giá mạnh nhất 5,00%, mã VTB đóng cửa chỉ còn 13.300 đồng/cổ phiếu (giảm 700 đồng), tổng khối lượng giao dịch chỉ có 700 cổ phiếu.
Ngoài ra, xét về mức tuyệt đối thì BT6 là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất khi tăng 2.500 đồng, lên mức 60.500 đồng/cổ phiếu, với tổng khối lượng giao dịch gần 10 nghìn cổ phiếu. Ngược lại, TCT là cổ phiếu giảm giá mạnh nhất khi giảm 3.500 đồng, xuống còn 84.000 đồng/cổ phiếu, với 8.480 cổ phiếu được giao dịch.
Trong 4 chứng chỉ quỹ đang niêm yết trên HoSE, có 3 mã giảm sàn và 1 mã đứng giá. Cụ thể, PRUBF1 giữ nguyên mức giá tham chiếu là 4.100 đồng/chứng chỉ quỹ. VFMVF1 giảm 400 đồng (tương đương 4,82%), chỉ còn 7.900 đồng/chứng chỉ quỹ. VFMVF4 giảm 200 đồng (tương đương 4,35%), chỉ còn 4.400 đồng/chứng chỉ quỹ. MAFPF1 giảm 100 đồng (tương đương 2,78%), chỉ còn 3.500 đồng/chứng chỉ quỹ.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua vào 48 mã cổ phiếu với tổng khối lượng mua vào là 429.680 đơn vị, bằng 5,68% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Trong đó, REE được họ mua vào nhiều nhất với 52.850 đơn vị, chiếm 15,45% tổng khối lượng mua vào của khối này. Tiếp theo là các mã như TDH (47.610 đơn vị), HPG (39.370 đơn vị), ANV (39.300 đơn vị) và FPT (33.410 đơn vị). Đáng chú ý, các mã có được nhà đầu tư nước ngoài mua vào chiếm tỷ trọng lớn trên tổng khối lượng giao dịch là SHC (100,00%), DPR (97,54%), PJT (96,23%), NKD (92,17%) và BTC (81,79%).
|