Theo thông tin từ HaSTC, hiện tượng này chủ yếu rơi vào các đợt phát hành thêm hoặc bán bớt phần vốn nhà nước như TCty CP Tái bảo hiểm quốc gia (mã CK: VNR), đấu giá ngày 24.8 chỉ bán được 6% trong tổng số 12,58 triệu CP, Cty hoá dầu Petrolimex (mã CK: PLC) ngày 16.7 bán được 21%. Gần đây nhất, kế hoạch đấu giá phát hành thêm của Cty ximăng Bỉm Sơn (mã CK: BCC) ngày 25.12 cũng bị phá sản vì chỉ có đúng 1 NĐT đăng ký.
Việc các kế hoạch đấu giá phát hành thêm thất bại chủ yếu xảy ra vào các thời điểm thị trường niêm yết trầm lắng. Theo ông Trần Văn Dũng, GĐ HaSTC, nguyên nhân của tình trạng này là tình hình thị trường luôn biến động trong khi phương án đấu giá lại được xây dựng từ lâu.
Trong thời điểm thị trường niêm yết đi xuống, giá khởi điểm đã tương đương giá đang giao dịch, thậm chí còn thấp hơn. Ví dụ BCC giá khởi điểm 35.000đ/CP trong khi giá đóng cửa ngày 17.12 (thời điểm kết thúc đăng ký) chỉ có 30.900đ/CP. Cuộc đấu giá như vậy chắc chắn không thành.
Tuy nhiên, theo ý kiến từ DN, việc xác định chính xác diễn biến thị trường là điều rất khó trong khi quy trình từ xây dựng kế hoạch phát hành đến thủ tục cấp phép của UBCKNN kéo dài.
Theo ông Dũng, hiện tượng ế CP phát hành thêm qua đấu giá là kinh nghiệm đối với cả DN và cơ quan quản lý: Thời gian từ lúc được cấp giấy phép và thời gian tổ chức đấu giá càng rút ngắn thì càng ít chịu biến động thị trường.
Với DN, giá khởi điểm cần xác định hợp lý hơn và phải căn cứ vào tình tình thị trường. Nếu đưa ra những phương án phát hành không khả thi, không lường hết được tình hình thị trường mà đợt đấu giá không thành thì cũng ảnh hưởng đến uy tín của bản thân DN.
Hơn 2 tháng gần đây, khi thị trường trong tình trạng mất cân đối cung cầu nghiêm trọng thì bất cứ việc phát hành thêm nào cũng khiến NĐT cảnh giác, dù là được quyền mua ưu đãi chứ chưa nói đến phải đi đấu giá, nhất là khi chờ đợi CP về tài khoản thì NĐT có thể bỏ qua nhiều cơ hội khác.
Tại những thời điểm thị trường khó khăn, phần lớn lượng tiền mặt của NĐT bị kẹt lại trong CP và NĐT phải có chiến lược ưu tiên sử dụng nguồn tiền của mình. Chỉ trong những trường hợp kết quả đấu giá thực sự có lợi hoặc DN thuộc loại hấp dẫn thì NĐT mới có nhu cầu tăng thêm khối lượng sở hữu hoặc đưa vào danh mục đầu tư.