![]() |
Giao dịch tại Công ty Chứng khoán An Bình - Ảnh: Việt Tuấn |
Ông dự đoán như thế nào về bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam trong 5 năm tới, khi mà lĩnh vực chứng khoán đã hoàn toàn mở cửa theo cam kết hội nhập WTO?
Ông Đoàn Ngọc Hoàn: “Trong 5 năm tới, khi mà lĩnh vực chứng khoán đã hoàn toàn mở cửa theo cam kết hội nhập WTO, bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vô cùng sinh động.
Theo tôi, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có quy mô lớn hơn hiện nay rất nhiều, thể hiện qua số lượng các công ty niêm yết, giá trị vốn hoá của thị trường, số lượng tài khoản đầu tư, tính phong phú và đa dạng của các công cụ tài chính. Tất nhiên để đạt được sự phát triển quy mô nói trên thì các cơ quan quản lý phải quan tâm nhiều hơn nữa đến tính minh bạch của thị trường, xây dựng lòng tin cho các nhà đầu tư.
Năm năm tới, các nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp chứng khoán 100% vốn trực thuộc và cung cấp nhiều loại hình dịch vụ bao gồm những loại hình mới mẻ đối với các công ty chứng khoán nội địa như dịch vụ quản lý tài sản, quản lý danh mục đầu tư, quản lý quỹ hưu trí, các dịch vụ lưu ký và tín thác, dịch vụ tư vấn, trung gian và các dịch vụ phụ trợ liên quan đến chứng khoán, bao gồm tư vấn và nghiên cứu đầu tư, danh mục đầu tư, tư vấn về mua lại công ty, lập chiến lược và cơ cấu lại công ty.
Điều đó đặt các công ty chứng khoán nội địa trước những cạnh tranh lớn hơn và vì thế có điều kiện học hỏi, hoàn thiện chính mình để đứng vững trên sân nhà”.
Ông Phạm Quang Huy: “Thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Số lượng các công ty niêm yết sẽ tăng nhanh đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Tổng giá trị thị trường của các doanh nghiệp niêm yết trên 2 thị trường niêm yết Hà Nội và Tp.HCM sẽ đạt mức 10 tỷ USD trong thời gian ngắn. Số lượng các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp sẽ gia tăng mạnh mẽ.
Những tổ chức đầu tư hàng đầu thế giới sẽ có mặt tại Việt Nam. Số lượng công ty chứng khoán sẽ tăng nhanh, tuy nhiên trong vòng 5-7 năm tới sẽ có hiện tượng tách nhóm. Một số công ty lớn, có chiến lược đúng và hoạt động hiệu quả sẽ bứt hẳn khỏi các công ty chứng khoán khác, một số công ty chứng khoán hoạt động không hiệu quả có khả năng phải sáp nhập thậm chí phải giải thể.
Các công ty chứng khoán hàng đầu thế giới sẽ chỉ mở chi nhánh ở quy mô vừa phải hoặc điều hành thông qua các văn phòng khu vực vì tầm cỡ của thị trường và các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế”.
Theo ông, các công ty chứng khoán Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc hội nhập này hay chưa?
Ông Đoàn Ngọc Hoàn: “Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như các công ty chứng khoán nội địa còn non trẻ và một điều hiển nhiên là các công ty chứng khoán nội đang trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc hội nhập WTO.
Thời gian 5 năm tới chưa phải là nhiều nhưng là khoảng thời gian cần thiết để các công ty chứng khoán nội địa tự hoàn thiện và chuẩn bị tốt hơn cho cuộc hội nhập thực sự. Theo tôi, do phần lớn các công ty chứng khoán trong nước được thành lập sau khi Luật Chứng khoán có hiệu lực nên đối với họ, sức ép hội nhập thì còn xa, song khó khăn trước mắt chính là cạnh tranh giữa công ty chứng khoán nội địa, đặc biệt là với các công ty chứng khoán ra đời từ những ngày đầu cùng thời với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hiện nay có hơn 70 công ty chứng khoán đã được Ủy ban Chứng khoán cấp phép hoạt động và có ít nhất 20 công ty nữa sắp sửa ra đời. Trong 5 năm tới, sẽ có nhiều công ty chứng khoán không trụ vững trong cuộc cạnh tranh và bị đào thải. Những công ty chứng khoán nào còn trụ vững sẽ chính là những công ty đủ tự tin để cạnh tranh với các công ty chứng khoán ngoại.
Thực tế, công ty chứng khoán ngoại có lợi thế hơn các công ty chứng khoán nội về công nghệ, tính chuyên nghiệp và kinh nghiệm kế thừa của công ty mẹ ở những nước có thị trường chứng khoán phát triển hàng trăm năm.
Tuy nhiên, trong một thị trường cạnh tranh bình đẳng, các công ty chứng khoán nội vẫn có rất nhiều ưu thế vượt trội các công ty chứng khoán ngoại, họ đã tham gia vào thị trường sớm hơn, xây dựng được mạng lưới giao dịch và mối quan hệ với khách hàng, tiếp thu những công nghệ và kỹ năng phục vụ khách hàng chuyên nghiệp từ quá trình hợp tác với các đối tác nước ngoài."